Viết phác đồ điều trị bệnh tim giống như viết cho bệnh ung thư
Đưa nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu có giá trị vào cuộc sống và đứng sau nhiều ca bệnh khó được điều trị thành công; nhưng mỗi khi tiếp nhận một bệnh nhân tăng áp động mạch phổi, bác sĩ Trần Văn Hùng như muốn rớt nước mắt bởi bệnh này giống với bệnh ung thư.
Đóng cửa phòng mạch đi tìm… “tăng áp phổi”
Phòng mạch đang hoạt động tốt, bỗng dưng bác sĩ Trần Văn Hùng quyết định đóng cửa để sang Nhật nghiên cứu về bệnh tăng áp phổi. Lĩnh vực tim mạch đã khó, theo đuổi chuyên sâu về tăng áp phổi càng khó bội phần; vậy điều gì thu hút bác sĩ Trần Văn Hùng?
“Lúc đầu, tôi đam mê tế bào gốc trong điều trị bệnh tim. Nhưng lúc đó, thế giới đang rơi vào khủng hoảng kinh tế nên việc đầu tư nghiên cứu cho tế bào gốc chựng lại. Lúc này, tôi chuyển hướng sang nghiên cứu về bệnh tăng áp phổi vì lĩnh vực này còn xa lạ ở Việt Nam, bệnh nhân chưa được điều trị đúng mực và người Thầy Nhật là một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này tại Nhật.
Tăng áp phổi là tăng áp lực của động mạch phổi và ảnh hưởng lên tim bên phải, được chia làm 5 nhóm, trong đó nhóm 1 là tăng áp động mạch phổi, giai đoạn bệnh nặng giống như ung thư mạch máu phổi. Thông thường, tâm thất phải chịu trách nhiệm bơm máu lên phổi nhận oxy để đi nuôi cơ thể. Thế nhưng, vì một số nguyên nhân, áp lực trong động mạch phổi cao lên do co thắt và lòng mạch hẹp dần. Từ đó, thất phải của tim làm việc nhiều hơn và dày lên theo thời gian, dẫn đến suy tim phải và cuối cùng tử vong. Điều kỳ lạ là giai đoạn cuối của căn bệnh này giống ung thư, ngay cả giới chuyên môn cũng bất ngờ. Khi đó, các tế bào trong động mạch phổi tăng sinh không ngừng và làm hẹp nặng lòng động mạch phổi. Trẻ sơ sinh hay người cao tuổi đều có thể mắc bệnh này. Bệnh không có thuốc chữa dứt điểm, người bệnh như chờ thời gian “thi hành án”, cái chết như lập trình sẵn. Do đó, khi làm nghiên cứu sinh, mình phải tìm gì mới lạ mà y học trong nước đang thiếu. Lúc đó, tôi thấy việc điều trị cho bệnh nhân bị tăng áp động mạch phổi thiếu thuốc, thường bị bỏ quên và chưa có bác sĩ theo mảng này, trong khi ở nước ngoài nghiên cứu rầm rộ”, bác sĩ Trần Văn Hùng chân tình kể.
Muốn săn được học bổng của Chính phủ Nhật và hầu hết những học bổng khác, các nghiên cứu sinh phải dưới 35 tuổi. Cơ may khép lại khi anh vừa chạm tuổi 35. Để có thể nghiên cứu và sống được ở Nhật, anh lại săn các học bổng khác để theo đuổi lĩnh vực khó nhằn này, tuy nhiên phải nói được tiếng Nhật khi phỏng vấn.
Không biết một chữ tiếng Nhật, nhưng để kịp đến hạn phỏng vấn, anh học ngày học đêm. Mỗi ngày, anh dành 16 tiếng để học, học bất cứ đâu và bất cứ lúc nào có cơ hội. Sau 2-3 tháng dùi mài tiếng Nhật, cuối cùng anh may mắn được nhận học bổng Rotary Yoneyama, là tổ chức học bổng tư nhân lớn nhất ở Nhật. Anh không bao giờ quên được ngày phỏng vấn tiếng Nhật đó. Những ngày ở Nhật, anh phải tự nấu ăn để duy trì sinh hoạt phí cho cân đối từ nguồn học bổng.
“Trung tâm nghiên cứu mà tôi theo có nhiều bác sĩ từ các quốc gia khác đến như: Đức, Pháp, Indonesia, Trung Quốc. Lúc đầu, tôi gặp khó khăn vì người Nhật ở nơi tôi nghiên cứu không đánh giá cao người Việt Nam. Nhưng 1-2 năm sau, chính các chuyên gia người Nhật đã chủ động bắt chuyện và họ nói tôi làm việc hiệu quả không khác gì người Nhật. Đó là điều khích lệ, khiến tôi say mê nghiên cứu hơn nữa và mong khi về nước sẽ ứng dụng thành công cho người dân”, bác sĩ Trần Văn Hùng nhớ lại.
Nhờ quyết tâm và làm việc chăm chỉ, bác sĩ Trần Văn Hùng đã đạt được giải Nhà nghiên cứu trẻ tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 13 Endothelin 2013 tại Tokyo, Nhật Bản.
Xem thêm: Xương Khớp Bảo Cốt Hoàn – Giúp Giảm Đau Nhức Xương Khớp (Lọ 100g). Chi tiết tại đây.
Được nhiều bệnh viện sử dụng phác đồ điều trị
Năm 2014, khi đang ở Nhật, TS.BS Trần Văn Hùng được Hội nghị tim mạch quốc gia tổ chức ở Đà Nẵng mời về Việt Nam chia sẻ về hiệu quả của thuốc Bosentan trong điều trị tăng áp động mạch phổi. Lúc đó, nhiều bác sĩ bắt đầu từ việc tò mò đã trở nên quan tâm đến lĩnh vực mới mẻ này. Bởi việc điều trị bệnh này ở Việt Nam lúc bấy giờ chỉ dựa vào nguồn thuốc xách tay, bác sĩ không có nhiều kinh nghiệm, người bệnh bị bỏ quên. Một số nơi chỉ có nguồn thuốc Viagra để điều trị cho bệnh nhân.
Để đáp lại nhu cầu trong nước, năm 2015, bác sĩ Trần Văn Hùng về hẳn Việt Nam và tổ chức các cuộc hội thảo cho các bác sĩ để chia sẻ kiến thức trong điều trị bệnh tăng áp động mạch phổi. Tuy nhiên, cả nước vẫn chưa có phác đồ điều trị bệnh tăng áp động mạch phổi. Việc điều trị chỉ mang tính chung chung.
Sau đó, anh rời Nhật Bản về Việt Nam. Những ngày đầu về Việt Nam, anh chứng kiến không ít bệnh nhân lên cơn tăng áp phổi, ho ra máu, suy tim, ngưng tim và tử vong nhanh chóng. Anh nhớ mãi hình ảnh một bé gái 16 tuổi, ở Bình Phước trước khi qua đời, em dặn dò mẹ gọi ngay cho bác sĩ Hùng.
Sau một thời gian điều trị giúp người bệnh kéo dài sự sống, đi làm được những công việc nhẹ; TS.BS Trần Văn Hùng được ban lãnh đạo Viện Tim TP.HCM tin tưởng giao nhiệm vụ viết phác đồ điều trị bệnh tăng áp động mạch phổi. Dựa trên những kiến thức được học và nghiên cứu từ nước ngoài, anh bắt đầu “thức trắng đêm” để viết riêng phác đồ cho bệnh nhân người Việt.
“Trước đây, bác sĩ chỉ dùng 1 loại thuốc để điều trị thì bây giờ phác đồ mới có tới 3-4 loại. Phác đồ mới hướng dẫn cho bác sĩ nhận diện được khi nào nên dùng 1 loại thuốc, lúc nào phải uống đến 2 loại. Đặc biệt, trong phác đồ mới đã cá thể hóa được liệu trình điều trị cho từng bệnh nhân”, bác sĩ Hùng bật mí.
Nhờ phác đồ mới, nhiều bệnh nhân được cải thiện chất lượng cuộc sống, kéo dài sự sống và có thể làm được những công việc nhẹ kiếm thêm thu nhập để phụ thêm chi phí mua thuốc điều trị. Chiều cuối ngày, vừa tiếp nhận thêm một ca tăng áp động mạch phổi, lòng anh nặng trĩu. Nhưng bằng tất cả sự nhiệt huyết, áp dụng phác đồ, kinh nghiệm điều trị của mình. Anh hy vọng, trong thời gian kéo dài sự sống đó, biết đâu y khoa phát triển sẽ chữa được dứt điểm căn bệnh này.
Anh tin vào điều đó và không thôi hy vọng, bởi hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu đưa thuốc điều trị ung thư vào điều trị cho những bệnh nhân tăng áp động mạch phổi và kết quả đầy hứa hẹn.
TS.BS Trần Văn Hùng hiện là Cố vấn Hồi sức tim mạch, Trợ lý Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Anh chia sẻ: “Tôi về với Bệnh viện Tâm Anh TP HCM vì nơi đây có người Thầy đáng kính là PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, có đội ngũ bác sĩ chuyên gia về nhiều mảng trong tim mạch, có đầy đủ phương tiện hiện đại bật nhất hiện nay và đặc biệt là nơi bệnh nhân được hưởng bảo hiểm y tế.”
Bệnh nhân tăng áp động mạch phổi hầu hết là người nghèo mà thuốc đặc trị lại đắt, nên bảo hiểm y tế là cái phao để cứu họ trước lưỡi hái tử thần. Hiện tại, ngay cả ở bệnh viện công, bảo hiểm y tế chỉ hỗ trợ 50% chi phí toa thuốc, bác sĩ Trần Văn Hùng ước mong, một ngày không xa, quỹ bảo hiểm y tế có thể hỗ trợ nhiều hơn để bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo này an tâm điều trị, hòa nhập cuộc sống và có thể làm việc được như những bệnh nhân ở nước ngoài.
Comments are closed.