TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương: “Người cha” đặc biệt của những đứa trẻ tí hon trong lồng kính
“Tôi nghĩ mình đến với nghề y giống như nghiệp định sẵn, từ thi chơi thành đậu thật và gắn bó đến bây giờ đã gần 20 năm. Niềm hạnh phúc khi bắt đầu công việc mỗi sáng sớm là hồi hộp xem các bé sơ sinh cải thiện như thế nào. Giây phút nhìn ngắm các bé thay đổi từ lúc ra đời nhỏ xíu trong lòng bàn tay đến khi xuất viện khỏe mạnh, tăng cân tốt khiến tôi càng yêu nghề.”, TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương chia sẻ.
Lối rẽ bất ngờ của cậu học sinh khối A
Vào những năm 1998, khi đang học lớp 12 của trường chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, cậu học trò khối A, Đỗ Hữu Thiều Chương đã định hướng và khá tự tin sẽ vào học Đại học Bách khoa. Nhưng anh nghĩ nếu thi thêm khối B thì chỉ cần bỏ thời gian học kỹ môn Sinh học nên đã đăng ký thi thêm Đại học Y Dược TP.HCM. Ý nghĩ ấy lóe lên trong đầu khi anh đã học đến giữa năm lớp 12.
Và chính suy nghĩ đó trở thành “bước ngoặt” khiến cuộc đời anh rẽ lối sang nghề thầy thuốc cứu người. Đậu cùng lúc 2 trường đại học danh tiếng, anh không ngần ngại quyết định chọn theo trường Y vì “hồi xưa đậu trường Y rất khó, đậu xong tôi theo học luôn, dần dần trong quá trình học, tôi nhận ra rất nhiều điều hay trong Y khoa và đam mê cứ lớn dần lên. Chắc một phần do tôi luôn thích tìm hiểu, học hỏi.” Kết thúc 6 năm học, anh tốt nghiệp xuất sắc, xếp hạng 3 của toàn khóa.
Đứng trước nhiều lựa chọn cho sự nghiệp, bác sĩ Đỗ Hữu Thiều Chương quyết tâm theo đuổi chuyên ngành Hồi sức Sơ sinh. Đây được xem là lĩnh vực rất khó của Nhi khoa, rất ít người theo.
Xem thêm: DỊCH VỤ CHỌN BÁC SĨ, CHỌN GIỜ SINH, XỬ TRÍ ĐẺ RƠI, ĐỠ SINH THAI CỰC NON
Nặng lòng với những quyết định khó khăn
Trở thành một bác sĩ hồi sức sơ sinh đồng nghĩa với việc luôn gắn bó với những em bé sơ sinh có bệnh lý nặng và phức tạp, nhất là những bé sinh cực non. Hàng năm có cả ngàn em bé sơ sinh nhập viện với nhiều bệnh cảnh khác nhau. Có nhiều em bé chỉ 500 – 600 gram, yếu ớt và mong manh nguồn sống. “Có những ca bệnh tưởng chừng bé chỉ có thể sống thêm được vài giờ thôi nhưng chúng tôi cố gắng theo dõi sát, điều trị theo từng thay đổi lâm sàng liên tục của bé, dần dần bé tiến triển tốt hơn, tìm lại được sự sống dù ngỡ sắp chạm ngõ tử thần. Đó là niềm vui và động lực rất lớn cho các bác sĩ lâm sàng nhất là khối hồi sức tăng cường.” Nhưng thật ra, nỗi buồn vì thất bại với những bé diễn tiến nhanh hoặc quá nặng lại làm các bác sĩ nhớ nhiều hơn.
Nhiều ca bệnh là thách thức cho đội ngũ y bác sĩ. Đó là những em bé sinh cực non, những bé sơ sinh có bệnh lý phối hợp nặng, có dị tật bẩm sinh, bất thường nhiễm sắc thể, hoặc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh nặng… Một số em bé không thể điều trị khỏi hoàn toàn hoặc thậm chí có thể không thể sống qua giai đoạn nhũ nhi nhưng người thân lại tha thiết mong có thể cứu được bé. Đó là lúc việc đưa ra quyết định ngưng chăm sóc tăng cường cho bé, chỉ chăm sóc giảm nhẹ lại trở thành một quyết định rất khó khăn cho cả ba mẹ bé và đội ngũ y bác sĩ.
Có những nỗi đau cứ trải dài theo từng câu chữ khiến cho bản thân người ngồi lắng nghe cũng rưng rưng theo. Bác sĩ Đỗ Hữu Thiều Chương hồi tưởng lại về một trường hợp ở bệnh viện anh từng làm trước đó khiến anh nhớ mãi: “Đó là một em bé sinh non có dị tật bẩm sinh và bị nhiễm trùng nặng, bé phải thở máy kéo dài và có biểu hiện di chứng rõ nên tiên lượng rất xấu. Nhưng người nhà kiên quyết phải cứu sống bé cho bằng được vì bố mẹ bé cũng đã lớn tuổi rồi.
Sau khi hội chẩn thì tất cả bác sĩ trong khoa thống nhất tiên lượng gần và tiên lượng xa của bé đều rất xấu, nếu may mắn cứu sống được thì di chứng để lại cũng rất nặng nề. Nhưng mỗi lần trao đổi với gia đình thì bố bé đều rơm rớm nước mắt “bác sĩ cố gắng cứu con em với” và gia đình luôn kỳ vọng bé vượt qua được. Theo mong muốn của gia đình, đội ngũ y bác sĩ vẫn tiếp tục điều trị cho bé một thời gian, nhưng tình trạng của bé vẫn không tiến triển. Tôi đã phải nói chuyện với gia đình, đưa ra những bằng chứng lâm sàng để bố bé có thể suy nghĩ và cân nhắc xem liệu rằng gia đình có thể đi theo bé một chặng đường dài chưa biết điểm kết hay không? Và gia đình có thể chấp nhận em bé sau này có thể sống một cuộc đời không như những em bé lành lặn khác? Sau một thời gian suy nghĩ thì gia đình đã quyết định dừng điều trị và mình hiểu đây là quyết định cực kỳ khó khăn cho gia đình. Đây là một trong rất nhiều tình huống không mong muốn, đặt ra thử thách trong việc phải ra quyết định mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu.
Thật sự mình luôn tâm niệm một em bé không may mắn phải nằm viện trong giai đoạn sơ sinh, nhất là những bé sinh non, cần được chăm sóc và yêu thương không chỉ trong thời gian nằm viện mà trong suốt chặng đường dài phát triển của bé sau này. Ở khoa Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, đội ngũ y bác sĩ chúng tôi là những người đồng hành với con ở giai đoạn đầu đời. Ba mẹ mới chính là những người sẽ đồng hành với con cho đến khi con lớn khôn. Do đó, tình thương vô điều kiện của ba mẹ là yếu tố cực kỳ quan trọng để con phát triển tối ưu sau này. Tôi hiểu việc nuôi dưỡng một em bé không hề đơn giản.
Chăm sóc một em bé khỏe mạnh vốn đã nhiều thử thách, việc chăm một em bé sinh non “dễ bị tổn thương” thì thử thách đó nhân lên gấp nhiều lần. Con cần một gia đình hiểu và yêu thương con, kiên định đồng hành cùng con trong suốt quá trình phát triển của con. Và không những thế, chúng ta cũng nên hiểu và đồng cảm với phụ huynh cùng những khó khăn mà họ có thể gặp phải nữa”, bác sĩ Thiều Chương chia sẻ.
Theo bác sĩ Thiều Chương, mỗi quyết định mình đưa ra đều phải được suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng vì quyết định sai hay đúng sẽ hướng em bé tới tình trạng tốt hơn hay xấu hơn, vì vậy ngành Y yêu cầu phải học hỏi liên tục. Để hạn chế quyết định sai, bác sĩ phải đọc nhiều, phải liên tục cập nhật y văn thế giới, theo những hướng dẫn và bằng chứng y học tốt nhất hiện có. Ngành Y là ngành khoa học thực nghiệm, bác sĩ phải luôn luôn nhìn nhận đánh giá lại những gì đã xảy ra với người bệnh nói riêng và cộng đồng nói chung để biết được kết quả và tác động từ những quyết định của mình. Bên cạnh đó, ngành Y là ngành khoa học “vật lộn” với xác suất, mỗi quyết định đã tiềm ẩn một xác suất sai lầm nhất định trong đó. Vì vậy, mình phải hướng đến quyết định mà xác suất lớn nhất đem lại lợi ích cho người bệnh trong thời điểm đó.
Xem thêm: ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG NGUY CƠ SINH NON
Sang tận trời Âu để đưa khoa học kỹ thuật mới về nước
Ngày mới ra trường, bác sĩ Đỗ Hữu Thiều Chương về công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Như một cơ duyên, anh được tiếp xúc và làm việc với các bác sĩ ở bệnh viện Rigshospitalet, Đại học Copenhagen, Đan Mạch từ sớm. Trong quá trình hợp tác, bác sĩ Thiều Chương nhận thấy Đan Mạch có nền y tế rất hiện đại và tiên tiến, có thể giúp Việt Nam cải thiện được hệ thống y tế chăm sóc trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sinh non.
Sau khi hợp tác làm việc và ghi được dấu ấn trong lòng các cộng sự nước ngoài, bác sĩ Thiều Chương được cấp học bổng du học tại Đan Mạch. Năm 2010, lần đầu tiên đặt chân đến Đan Mạch, bác sĩ Thiều Chương may mắn được quan sát cách điều trị và chăm sóc ca ECMO đầu tiên ở một bé sơ sinh suy hô hấp nặng do viêm phổi hít phân su. Tuy nhiên, lúc này ECMO vẫn còn khá mới đối với Việt Nam và chi phí điều trị cho mỗi ca là rất lớn, trong khi lúc đó nhu cầu thực hiện ở các bệnh viện tuyến cuối chưa nhiều. Do đó, việc triển khai ECMO phải vài năm sau mới thành hiện thực, khởi đầu được chỉ định cho những trẻ lớn suy hô hấp nguy kịch hoặc viêm cơ tim tối cấp. Cho đến hiện nay, ECMO đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhi và người lớn, nhất là những ca Covid-19 nặng, hứa hẹn khả năng điều trị thành công những trường hợp mà trước đây y tế nước nhà không thể cứu được. Và trong thời gian tới, ECMO có thể được áp dụng cho trẻ em ở lứa tuổi nhỏ hơn, đặc biệt là sơ sinh.
Bên cạnh kỹ thuật ECMO, một kỹ thuật khác mà bác sĩ Thiều Chương may mắn được học và được áp dụng sớm ở trong nước là kỹ thuật hạ thân nhiệt toàn thân cho trẻ sơ sinh bệnh não thiếu tưới máu thiếu oxy. Đây là kỹ thuật giúp bảo tồn tế bào não của những em bé không may sinh ra bị ngạt, gây ra tình trạng thiếu tưới máu thiếu oxy não. Khi toàn thân bé được hạ nhiệt độ xuống, não sẽ giảm hoạt động, giảm chuyển hóa, hạn chế chết tế bào não giúp giữ não không bị tổn thương thêm. Phương pháp này được một anh bạn đồng nghiệp đáng kính và bác sĩ Thiều Chương đưa về triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam vào những năm 2013 – 2014 và cho đến hiện nay, kỹ thuật này đã được nhiều bệnh viện triển khai trên toàn quốc.
Sau thời gian dài gắn bó với Bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ Chương chọn khởi hành cho chặng đường tiếp theo ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Tại đây, ngoài việc chú trọng nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng điều trị, bệnh viện còn đầu tư máy móc hiện đại, đáp ứng điều trị các bệnh lý phức tạp, như thở khí Nitric oxide (NO) giúp cải thiện trao đổi khí, tăng oxy hóa máu ở trẻ cao áp phổi; đầu tư hệ thống ECMO oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể… tương lai một số máy như đo CO2 qua da liên tục để hạn chế lấy máu xét nghiệm cho bé. Thúc đẩy xét nghiệm thể tích máu nhỏ vì những em bé sinh non chỉ có 600 – 700 gram nếu chúng ta lấy chỉ khoảng 3 – 4ml máu của bé thì cũng tương đương 300 – 400ml máu ở người lớn 60 – 70kg. Vì vậy, anh luôn kỳ vọng sau này xét nghiệm cho các bé chỉ cần thể tích máu rất nhỏ mà vẫn cho kết quả đáng tin cậy. Đó là những mục tiêu hướng tới, những tiếp cận mới trên thế giới có thể áp dụng ở Việt Nam.
Ngay khi lọt lòng, những em bé sinh non đã thiệt thòi, thay vì được cuộn tròn trong vòng tay mẹ, tận hưởng nguồn sữa mát lành, con lại phải sống trong lồng kính với các thiết bị hỗ trợ. Là bác sĩ sơ sinh, ngày ngày sát cánh cùng con, theo dõi chỉ số sinh tồn của con tại Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, anh luôn mong những “mầm non” sẽ sớm được trở về với vòng tay cha mẹ, mang đến hạnh phúc trọn vẹn cho mỗi gia đình.
Châu Bùi
Xem thêm: Tin tức hoạt động của Bệnh viện Tâm Anh
Quý khách có thể đặt lịch khám, tư vấn với TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương tại đây hoặc liên hệ Hotline 028 7102 6789 để được hỗ trợ.
Comments are closed.