TS.BS Cam Ngọc Phượng: Người du nhập “phác đồ phút vàng” hồi sức trẻ sinh non về Việt Nam
“Nhìn những bé mới sanh quấn đầy dây nhợ, bản năng làm mẹ trỗi dậy khiến tôi yêu bệnh nhi như tình thương mẫu tử. Tôi tâm niệm phải nỗ lực hết sức cứu được những sinh linh bé nhỏ ấy, càng nhiều càng tốt”. Đó là mệnh lệnh từ trái tim mà TS.BS Cam Ngọc Phượng luôn theo đuổi từ khi bước chân vào lĩnh vực Nhi Sơ sinh, có thể nói đây là ngành duy nhất mà bệnh nhân không biết khai bệnh.
“Người nhà đau, tôi cũng đau”
So với thế giới, trình độ hồi sức cấp cứu cho trẻ sinh non và sinh cực non của y khoa Việt Nam bị tụt lại phía sau đến mấy chục năm. Nhưng không vì thế mà bác sĩ Cam Ngọc Phượng làm ngơ trước vận mệnh của chính mình và bỏ rơi những bệnh nhi kém may mắn. Để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển, chị và các bác sĩ cộng sự chủ động, liên tục cập nhật kiến thức và phác đồ mới nhất để sớm đưa vào điều trị, cứu thêm được thêm nhiều em bé càng tốt.
Nói về lĩnh vực Nhi Sơ sinh, chị hào hứng kể: “Có những phác đồ ở Việt Nam đã lỗi thời, nếu người thầy thuốc chỉ chú tâm điều trị, không chạy đua với thế giới sẽ có tội với bệnh nhân. Ví dụ, trước đây trẻ sinh ra sẽ cho kẹp rốn ngay để chăm sóc cho em bé, nhưng y học hiện đại khuyên nên kẹp rốn muộn cho các bé sinh non và cực non, để bé nhận thêm lượng máu, kháng thể từ mẹ truyền qua. Đi tắt đón đầu, áp dụng những phác đồ hiện đại sẽ giúp chúng tôi đi nhanh hơn, bệnh nhân được hưởng lợi sớm hơn. Vấn đề quan trọng là bác sĩ phải có kiến thức y khoa, có trình độ ngoại ngữ, phải đầu tư công sức, cố gắng mày mò tìm tòi để cập nhật kiến thức điều trị mới. Có như vậy mới mong một ngày không xa, y học Việt Nam nâng cao được hiệu quả điều trị, giảm tỷ lệ biến chứng, di chứng trong điều trị trẻ sinh non và cực non”.
Nỗ lực, hết lòng vì bệnh nhân là thế, nhưng mỗi khi chứng kiến những ca bệnh vuột mất khỏi tầm tay, tim chị như thắt lại. “Đau lòng nhất là khi đã cố gắng dồn tâm sức điều trị cho bệnh nhi, tốn kém rất nhiều chi phí của gia đình nhưng khâu tiếp nhận điều trị từ tuyến dưới không trọn vẹn, thành quả không như ý khi vẫn để lại di chứng thần kinh não, thị lực, những tổn thương ở các cơ quan…, khiến trẻ phải sống một cuộc đời không bình thường. Mỗi khi bệnh nhi tái khám, chứng kiến trẻ không thể phát triển mạnh khỏe cả thể chất lẫn trí tuệ, thấy gia đình đau lòng mà tim tôi thắt lại, day dứt. Họ đau, mình cũng đau”, bác sĩ Phượng tâm sự.
Cũng có ca bệnh là thách thức cho đội ngũ y bác sĩ, đó là những ca gặp dị tật bẩm sinh nặng, các rối loạn di truyền do sự hiện diện của một số nhiễm sắc thể bất thường. Thế giới cũng không điều trị được lỗi bất thường về gen và không khuyến khích nuôi, nhưng nghiệt ngã thay khi những em bé này khó khăn lắm mới chào đời do ba mẹ lớn tuổi hoặc phải điều trị hiếm muộn nhiều lần… Người nhà tha thiết giữ lại con, nhưng y học cũng không có khả năng điều trị thì vô tình trở thành áp lực với người thầy thuốc.
Những viên gạch đầu tiên của Trung tâm sơ sinh lớn nhất khu vực phía Nam
Chứng kiến thân hình bé bỏng của bệnh nhi phải chống chọi với các di chứng sau sinh non… và bất lực nhìn những đứa trẻ ra đi khi chưa kịp đến bệnh viện, nhiều lần, bác sĩ Cam Ngọc Phượng ấp ủ giấc mơ về một trung tâm sơ sinh lớn ở Việt Nam, ngay tại TP.HCM. Nơi đây có các điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ chuyên gia để có thể kịp thời cứu sống nhiều trẻ sinh non và sinh cực non mà tuyến dưới không thể tiếp nhận điều trị…
Được sự định hướng và hỗ trợ của Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, kế hoạch về một trung tâm Sơ sinh lớn nhất khu vực phía Nam bắt đầu xây dựng nền móng.
“Đây thực sự là mục tiêu mà các chuyên gia sơ sinh cùng với Ban Giám đốc đề ra ngay khi mới thành lập. Chúng tôi xác định đây là một hành trình trải qua nhiều giai đoạn, nhưng quyết liệt bằng mọi cách đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn nhất. May mắn là chúng tôi có một đội ngũ y bác sĩ điều dưỡng sơ sinh có tâm với người bệnh, giỏi về chuyên môn và tâm huyết với nghề, giàu kinh nghiệm không chỉ về thực hành mà còn về cả giảng dạy. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lên kế hoạch xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân lực kế thừa, trẻ trung, năng động, sẵn sàng cống hiến, là thế hệ cận kề cho đội ngũ có chuyên môn”, bác sĩ Phượng chia sẻ.
Xem thêm: Sử dụng Testoherb 1 Hour sẽ hỗ trợ kích thích cơ thể sản sinh hormone testosterone nội sinh, hỗ trợ điều trị chứng liệt dương & xuất tinh sớm. Chi tiết tại: https://coastlinecare.vn/testoherb-1-hour-ho-tro-tang-cuong-suc-khoe-sinh-ly-nam-hop-16-vien/
Thế nhưng, để xây dựng một trung tâm sơ sinh, chăm sóc chuyên sâu cho trẻ sinh non và cực non lớn ở khu vực phía Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, vốn không phải là điều đơn giản. Nhưng được sự ủng hộ của Ban giám đốc, Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đang trong quá trình đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới nhằm thực hiện các kỹ thuật cao trong điều trị các bệnh lý phức tạp, như: thở khí Nitric oxide (NO) giúp cải thiện trao đổi khí, tăng oxy hóa máu ở trẻ cao áp phổi; đầu tư hệ thống ECMO lọc máu tuần hoàn ngoài cơ thể để điều trị một số bệnh lý sơ sinh nguy hiểm như bệnh viêm phổi hít phân su…
Nói về những bài toán khó để chạm được ước mơ của mình, tiến sĩ, bác sĩ Cam Ngọc Phượng tâm sự: “Tôi xác định đây là một hành trình khó khăn và cần phải có nhiều giai đoạn, dần dần từng bước có thể khắc phục được. Tôi xem những khó khăn đó không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội. Đó cũng là mục tiêu để mình cố gắng, nỗ lực chinh phục thành công”.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, ngày BVĐK Tâm Anh khai trương cơ sở ở TP.HCM vào cuối tháng 2/2021 cũng là ngày Trung tâm Sơ sinh tiếp nhận điều trị cho những “chiến binh nhí” đầu tiên… Điểm khác biệt và thế mạnh lớn giữa Trung tâm Sơ sinh của BVĐK Tâm Anh TP.HCM so với 3 trung tâm sơ sinh lớn khác trong thành phố đó là có sự “hộ tống” của Trung tâm Sản Phụ khoa và Trung tâm Tim mạch. Bên cạnh đó, Trung tâm Sơ sinh còn có sự hỗ trợ của các chuyên khoa như Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Xét nghiệm, Trung tâm Tế bào gốc, khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Ung bướu… nằm trong khu điều trị kỹ thuật cao đang bọc lót và tiếp sức tối đa cho Trung tâm Sơ sinh có thể tiếp nhận và chăm sóc bệnh nhi một cách toàn diện và chuyên sâu nhất, cho hiệu quả điều trị cao nhất…
Những “trái ngọt” đầu tiên
Vào tháng 5/2021, Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP.HCM tiếp nhận ca sinh cực non ở tuần thai thứ 25, nặng vỏn vẹn 740g, sau sinh bé tím tái và chưa thể tự thở… Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức sơ sinh, đã nuôi thành công nhiều trẻ sinh non, nhẹ cân, nhưng TS.BS Cam Ngọc Phượng vẫn đánh giá đây là một ca đặc biệt và khó. Nhưng đây cũng là sự kiện mang tính bước ngoặt khi BVĐK Tâm Anh TP.HCM điều trị trẻ sinh cực non thành công ngoài mong đợi, được áp dụng phác đồ chuẩn nhất mà tiến sĩ Cam Ngọc Phượng từng ấp ủ.
Thai phụ 26 tuổi ở Bến Tre được cảnh báo có khả năng sinh non ở tuần 28, tuy nhiên khi mới 25 tuần đã rỉ ối. Ngay lập tức sản phụ được người nhà cho nhập viện nhưng bác sĩ một bệnh viện quốc tế tại TP.HCM không chắc chắn về khả năng sống cho bé sau khi chào đời, nên trẻ được “chuyển viện trong tử cung” đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Là bệnh viện duy nhất trong thành phố có lợi thế sở hữu khoa Hồi sức sơ sinh nằm sát Trung tâm Sản Phụ khoa, nơi có các chuyên gia từng cứu sống rất nhiều trẻ sinh non, sinh cực non ở những tuần thai rất nhỏ 25, 26, 27… và là nơi duy nhất các chuyên gia Sơ sinh có thể áp dụng “phác đồ phút vàng” được thiết lập và tính toán kỹ từng chi tiết, với những phương pháp điều trị hiện đại nhất, thực hiện ngay trong 60 phút sau khi bé chào đời.
Với sự hợp tác chặt chẽ, ngay sau khi rời khỏi bụng mẹ, trẻ được bọc trong túi giữ ấm, hỗ trợ thở áp lực dương trước khi kẹp rốn, đảm bảo an toàn cho trẻ được kẹp rốn muộn và sau đó chuyển sang giường sưởi ấm. Bác sĩ và điều dưỡng nhi sơ sinh lập tức gắn ống thở CPAP không xâm lấn, giúp phổi bé không bị xẹp, hạn chế nhiễm trùng, không bị suy hô hấp và nhanh chóng chuyển bé về khoa Sơ sinh bằng thiết bị chuyên dụng.
Được chăm sóc ngay từ đầu một cách bài bản và chuẩn xác, trẻ được cứu sống dù chào đời cực non ở tuần tuổi rất nhỏ, không bị nhiễm khuẩn bệnh viện và sớm loại bỏ hoàn toàn các biến chứng sơ sinh. Bé được tầm soát bất thường não, siêu âm tim bẩm sinh, khám mắt cho kết quả hoàn toàn bình thường. Bé sẽ tiếp tục được tầm soát thính lực cũng như các bệnh lý bẩm sinh khác ở từng giai đoạn. Hiện tại được khoảng 33-34 tuần, cân nặng 1,3 ký – gần gấp đôi so với lúc sinh, ăn qua ống sonde bên cạnh việc tập bú.
“Đây là ca bệnh tôi tâm huyết nhất trong suốt hơn 30 năm làm nghề vì có thể điều trị theo ‘phác đồ phút vàng’ chuẩn với sự hỗ trợ của hệ thống trang thiết bị hiện đại và sự hợp tác ăn ý với đơn vị sản, đơn vị gây mê hồi sức và đơn vị hồi sức sơ sinh tích cực… Trước đây, với những trường hợp tương tự, nếu đi nước ngoài điều trị thì số tiền điều trị lên tới hàng tỷ đồng, còn điều trị ở trong nước thì nguy cơ cao không thể cứu sống đứa trẻ”, bác sĩ Phượng chia sẻ.
Cũng trong tháng 5/2021, bác sĩ Phượng cũng trực tiếp điều trị ca sinh non 32 tuần cho sản phụ 41 tuổi gặp 4 biến chứng thai kỳ phức tạp: đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, u xơ tử cung và ung thư tuyến giáp, nguy cơ tử vong cao ở cả mẹ và con. Bé trai chào đời với cân nặng chỉ 1.340g, tím tái, suy hô hấp. Sau 3 tuần điều trị, cân nặng của em bé đạt 1.900g, sức khỏe hoàn toàn ổn định, có thể tự bú mẹ, giữ thân nhiệt ổn định và có thể xuất viện an toàn.
Nhiều trẻ sinh non tháng đã chào đời an toàn và ngoạn mục ngược dòng phát triển như bao trẻ khác nhờ sự chăm sóc đặc biệt của các y bác sĩ Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh. Song song với việc phát triển Trung tâm Sơ sinh lớn nhất TP.HCM, vị “thuyền trưởng” đầy nghị lực và giàu tâm đức còn canh cánh vấn đề giải quyết gánh nặng tài chính cho người bệnh. Hiện tại chi phí của những dịch vụ điều trị kỹ thuật cao cho Nhi Sơ sinh đang vượt quá khả năng chi trả của khá nhiều gia đình, không phải mọi trẻ em đều có cơ hội tiếp cận điều trị mà chỉ có thể phục vụ cho đối tượng cao cấp. Để hỗ trợ tài chính cho bệnh nhân, thì những kỹ thuật cao đó phải được bảo hiểm y tế chi trả, để giá thành giảm xuống, đồng nghĩa với việc cứu sống được nhiều bệnh nhân hơn.
Có một gia đình để về
Suốt hơn 30 năm qua, bác sĩ Cam Ngọc Phượng không chỉ là một người thầy thuốc có tâm, một vị tiền bối yêu nghề trong ngành sơ sinh, chị còn đóng góp nhiều công trình nghiên cứu khoa học giá trị với 15 đề tài giá trị như: Thở áp lực dương liên tục trong điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh; Thở máy áp lực dương tần số cao trong điều trị thoát vị hoành bẩm sinh; Đánh giá hiệu quả đặt catheter động mạch ngoại biên ở trẻ sơ sinh; Sử dụng Nitric oxide điều trị cao áp phổi trẻ sơ sinh; Phác đồ Giờ vàng cho trẻ sinh non…
Đối với chị, nghiên cứu khoa học cũng cần phải có sự yêu thích, cần đầu tư thời gian đọc tài liệu, tham khảo, phải sắp xếp cân bằng giữa nghiên cứu – công việc và gia đình. Chị nói, may mắn của chị là được sự đồng thuận và động viên rất lớn từ gia đình, đặc biệt là người bạn đời – PGS.TS.BS.Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. “Ở cương vị quản lý từ rất sớm (36 tuổi đã làm Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 – PV), nên anh ấy hiểu những cái gì cần để phát triển bản thân cũng như tập thể.”
Tuy có rất ít thời gian dành cho gia đình, con cái, nhưng sự thấu hiểu của người thân là động lực để chị không ngừng cống hiến. Sự trưởng thành của hai con, sự vững chãi của người bạn đời chính là bệ phóng vững chắc giúp chị sớm chạm đến ước mơ về một Trung tâm Sơ sinh tầm cỡ trong khu vực vào một ngày không xa.
- Phác đồ giờ vàng cứu trẻ sinh cực non
- 10 bước trong phối hợp sản nhi cứu trẻ sinh non và cực non
Comments are closed.