Nguyễn Phạm Thùy Linh: Những trái tim bé không lành lặn được xoa dịu
“Nếu hôm nay là ngày cuối, tôi vẫn mong đó là ngày tôi được chăm sóc cho những em bé bị tim bẩm sinh, tôi mong được xoa dịu bớt nỗi đau cho những trái tim không lành lặn ấy”.
Lời cầu nguyện của mẹ và hành trình trở thành bác sĩ
Bác sĩ Nguyễn Phạm Thùy Linh bén duyên với nghề “tai mang ống nghe, mặc áo blouse trắng” xuất phát từ lời cầu nguyện của mẹ.
“Trong một lần đến bệnh viện, thấy nhiều mảnh đời đau khổ chống chọi bệnh tật, mẹ đã cầu nguyện có một người con làm bác sĩ để có thể chữa bệnh, cứu người. Không lâu sau, Chúa đã cho mẹ được như ý nguyện!”- Bác sĩ Thùy Linh chia sẻ.
Năm 2007, Bác sĩ Nguyễn Phạm Thùy Linh tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM). Như một sự dẫn dắt từ trên cao, vào ngày tuyển dụng cuối cùng của Bệnh viện Tim Tâm Đức, bác sĩ Thùy Linh thi tuyển và từ đó hành trình trở thành bác sĩ tim mạch bắt đầu.
Sau khoảng 5 năm phụ trách khám tim mạch tổng quát, bác sĩ Nguyễn Phạm Thùy Linh được đàn anh của mình là Bác sĩ Vũ Năng Phúc truyền cảm hứng về tim bẩm sinh, một trong những lĩnh vực “khó nhằn”, đầy thách thức… Nhìn những em bé không may mắc bệnh tim bẩm sinh, cô bác sĩ trẻ luôn thôi thúc làm sao có thể giúp các em có một cuộc sống mới với trái tim lành lặn hơn.
Để điều trị bệnh tim bẩm sinh chuyên sâu, chị dành thời gian dài tu nghiệp tại Malaysia và Hàn Quốc. Khi về nước, gặp những ca bệnh khó, chị dành nhiều thời gian ở lại bệnh viện, mải mê với bệnh án, với hình ảnh CT của bệnh nhi. Có những lúc, chị dựng hình CT và chuẩn bị hội chẩn đến quên mất cả việc có một anh chồng đang đợi ở nhà xe bệnh viện…
Xem thêm: GHV KSOL – Giúp Bổ Sung Các Chất Chống Oxy Hóa (Hộp 30 viên). Chi tiết tại đây.
“Mẹ từng nói với tôi một câu mà tôi luôn nhớ mãi, tâm niệm của bà là chăm các con của tôi thật tốt, để tôi có thể dành thời gian, tâm sức để có thể đi chăm con “thiên hạ”.” Bác sĩ Thùy Linh luôn thương những bệnh nhi đó như thương con mình, luôn tìm cách tốt nhất để điều trị cho các con.
Những vui buồn trong công việc
Để siêu âm được cho trẻ thì bác sĩ tim mạch phải chờ các bé đi ngủ. Thế nhưng, nhiều trường hợp bác sĩ không thể siêu âm được do mãi đến 12 giờ trưa, các bé mới ngủ. Nhìn những em bé nằm vật vờ ngoài hành lang không đành lòng nên bác sĩ Thùy Linh dành hết thời gian nghỉ trưa để siêu âm cho các bé. Biệt danh vui “Chuyên gia đè con nít siêu âm giữa trưa” từ đó xuất hiện.
Có lần chúng tôi hỏi chị có hối hận khi chọn lĩnh vực tim bẩm sinh không, phải chứng kiến nhiều em bé sống lay lắt, lìa đời trong đau thương rất dễ khiến bản thân căng thẳng? Chị kể những lần chứng kiến bệnh nhi bị cha mẹ bỏ rơi, hay các bé sống trong trại trẻ mồ côi phải giã từ cuộc đời vì trái tim không lành lặn, chị mãi day dứt.
Từng có quãng thời gian sau sinh, chị muốn bỏ nghề vì không muốn nhìn thấy những hoàn cảnh bi ai nữa. Xuyên qua cặp mắt kính, đôi mắt đỏ hoe, chị kể: “Trong đầu tôi lúc đó cứ nghĩ tại sao nghề bác sĩ điều trị tim bẩm sinh sao quá thương đau. Nhưng bình tâm suy nghĩ, tôi xốc lại tinh thần, còn cố gắng thì còn giúp được thêm nhiều mảnh đời nữa. Không nên nhìn vào những ca đau thương để bỏ rơi tất cả trẻ em khác. Mong tình thương và khả năng Chúa cho mình có thể giúp bệnh nhi giảm bớt những đau đớn thể xác”.
Chị cũng kể một trường hợp đặc biệt: “Hôm đó chiều muộn rồi, một em bé gần 3 tháng tuổi được chuyển đến bệnh viện nhờ vô tình được phát hiện mắc bệnh tim khi đi chích ngừa. Bác sĩ khám sàng lọc tiêm chủng khi đặt ống nghe lên tim và nhìn thấy triệu chứng tím nên khuyên chuyển sớm đến cơ sở tim chuyên sâu để điều trị. Cầm kết quả siêu âm tim trên tay, tôi báo cho mẹ bé biết về tình trạng bệnh tim chuyển nặng. Người mẹ trẻ ấy sững sờ… Nước mắt người mẹ chưa kịp ráo, chúng tôi vội đẩy bé vào phòng cấp cứu can thiệp do bé bị không có lỗ van động mạch phổi kèm vách liên thất hở và ống động mạch, nguồn cung cấp duy nhất cho sự sống của cháu gần tắt. Cháu được đẩy vào phòng mổ trong tình trạng tiền bạc rất hạn chế do ba mẹ cháu chỉ làm công ăn lương, đủ sống qua ngày. Tính mạng bé như “mành treo trước gió”, phải mổ làm BT shunt (tạo cầu nối chủ – phổi). Vừa đẩy bé đi mổ, nhóm các bác sĩ tim bẩm sinh vừa phải liên hệ khắp nơi để xin tài trợ cho cháu. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhánh động mạch phổi của cháu rất nhỏ, phải phẫu thuật rất vất vả mới tạo được thông nối. May mắn, cháu qua cơn nguy kịch và đến bây giờ tôi vẫn theo dõi bé”.
Với tâm niệm luôn cố gắng hết sức với bệnh nhi từ những điều nhỏ nhất, hơn 12 năm trong nghề, chị đều theo dõi rất kỹ từng ca bệnh, bám sát những triệu chứng lâm sàng, từ hình ảnh chẩn đoán, đến hội chẩn với toàn nhóm tim bẩm sinh, làm sao để các con bước vào cuộc mổ với đầy đủ thông tin nhất cho phẫu thuật viên.
Điều khiến chị trăn trở nhất chính là bỏ lỡ cơ hội chữa lành cho các bé phát hiện bệnh trễ. Bác sĩ Thùy Linh nhớ mãi câu chuyện một cậu bé lớn lên trong cô nhi viện. Em được đưa đến bệnh viện vì người chăm sóc thấy bé hay mệt, không tăng cân, ốm yếu. Sau thăm khám, bác sĩ phát phát hiện tim bé có một lỗ thông liên thất rất lớn, tăng áp phổi nặng. Và vì bé đã hơn 9 tuổi, thông tim đo kháng lực cho thấy quá trễ cho chỉ định mổ. Trong khi trường hợp của bé nếu được phẫu thuật kịp thời thì bé đã có thể sống hoàn toàn bình thường với trái tim gần như được chữa lành 100%. Bác sĩ Thùy Linh cứ day dứt, phải chi bé được phát hiện bệnh sớm hơn, chắc cuộc đời của con đã rẽ sang một hướng khác.
Hiện nay, y học phát triển cho phép bác sĩ có thể chẩn đoán được các bất thường tim bẩm sinh từ trong bào thai, việc phát hiện sớm có ý nghĩa lớn trong việc điều trị. Nhưng nghịch lý ở chỗ, tim bẩm sinh vốn được coi là “bệnh nhà giàu”, chi phí phẫu thuật cho mỗi ca bệnh có thể lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Có những bé không chỉ phẫu thuật một lần, mà có thể hai lần, hoặc nhiều lần hơn…
Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thường không đủ khả năng chi trả và rất cần sự hỗ trợ từ các quỹ thiện nguyện. Thời gian chờ của bé càng lâu đồng nghĩa với việc bệnh càng nặng, có bé tử vong khi chưa kịp phẫu thuật, có những trường hợp khi được tài trợ phẫu thuật thì bé lại quá tuổi để chỉ định mổ. Bác sĩ Thùy Linh mong ước sẽ ngày càng có nhiều quỹ tài trợ phẫu thuật tim để thêm nhiều trái tim bé không lành lặn có cơ hội được chữa trị.
Những em bé ốm yếu trở thành những cô bé, cậu bé với đầy ước mơ, có thể sánh bước đến trường và có một tương lai rộng mở phía trước là tâm niệm và nỗ lực đến cùng của bác sĩ Thùy Linh và cả đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh.
Bệnh viện Tâm Anh tự hào với đội ngũ chuyên gia tim bẩm sinh có tâm và có tầm, đủ trình độ chuyên môn sâu và cũng đủ lòng yêu thương để đồng hành cùng các em bé bị tim bẩm sinh, từ bào thai đến tim bẩm sinh người lớn. Với phương tiện hiện đại và sự phối hợp chặt chẽ giữa tim mạch với các chuyên khoa như sản, sơ sinh, nhi… bệnh nhân sẽ có thêm hy vọng, nhiều trái tim có thể được “vá” lành, nhiều cuộc đời được thay đổi, tốt đẹp hơn…
Comments are closed.