Người mắc bệnh Tai Mũi Họng không nên tự ý dùng lại toa thuốc cũ
“Phòng khám Online” của khoa Tai Mũi Họng BVĐK Tâm Anh TP.HCM đã thu hút đông đảo người bệnh đăng ký “khám trực tuyến” 1:1 với bác sĩ. Khách hàng rất quan tâm vấn đề người mắc bệnh tai mũi họng có thể dùng lại toa thuốc cũ khi chưa thể tái khám? ThS.BS Phạm Thái Duy cho rằng, toa thuốc cũ chỉ được tái sử dụng khi có sự hướng dẫn của bác sĩ và chỉ duy trì trong thời gian ngắn.
Dùng toa thuốc cũ thế nào cho đúng?
Hiện tượng người bệnh tự ý sử dụng toa thuốc cũ mà không tái khám đều đặn theo lịch hẹn của bác sĩ đã xảy ra nhiều lần, nhất là người dân cư trú ở địa phương xa các bệnh viện điều trị chuyên sâu. Khi dịch Covid-19 bùng phát, tình trạng tái sử dụng toa thuốc cũ càng ngày càng trở nên phổ biến. Trường hợp người bệnh Đ.T.T.N, bị viêm tai giữa mạn tính, từng vá lỗ thủng màng nhĩ. Trước dịch chị đã đi khám tại một bệnh viện ở TP.HCM và được cấp thuốc điều trị nhưng chưa khỏi. Hiện nay tai chị có triệu chứng chảy mủ, ngứa, giảm sức nghe, tình trạng kéo dài đã 1,5 tháng nhưng chị chưa đi tái khám. Lo lắng bệnh có thể trở nặng, chị N đã đăng ký “khám Online” của khoa Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh. Ngoài trình bày bệnh lý cho bác sĩ, chị N cũng đặt câu hỏi với bác sĩ liệu chị có thể tiếp tục dùng lại toa thuốc cũ.
ThS.BS Phạm Thái Duy – Khoa Tai Mũi Họng BVĐK Tâm Anh TP.HCM, trực tiếp “khám bệnh Online” cho chị N nhận định: “Với bệnh này chị phải nội soi tai, chụp CT để kiểm tra tình trạng có viêm xương chũm hay không. Chị đã dùng toa thuốc cũ nhưng tình trạng bệnh không cải thiện, cần đến bệnh viện kiểm tra sớm, không nên trì hoãn, vì người bệnh từ viêm mũi dị ứng có thể ảnh hưởng viêm tai”.
Tương tự, người bệnh T.T.L.D, qua “Phòng khám Online” đã nhờ bác sĩ Duy hỗ trợ tư vấn trường hợp mình bị đau rát mũi. Trước kia, chị đã đi khám tại một bệnh viện, phát hiện phì đại cuốn mũi. Bản thân người bệnh phải chịu đựng cơn đau mũi, sưng nề, nghẹt mũi, đọng nhiều dịch nhầy nhưng do đang ở khu phong tỏa chị không thể đến bệnh viện. Suốt 2 tháng nay người bệnh chỉ sử dụng thuốc xịt mũi nhưng không cải thiện. Chị D đã xin ý kiến bác sĩ Duy có thể sử dụng thuốc xịt mũi kháng viêm lâu dài được không?.
Xem thêm: Gastosic – Hỗ Trợ Cân Bằng Acid Dịch Vị (Hộp 30 viên). Chi tiết tại đây.
Sau khi kiểm tra loại thuốc của chị D, bác Duy cho biết đây là thuốc cho phép sử dụng thời gian kéo dài. Tuy nhiên, người bệnh chỉ xịt hết 1 chai phải quay lại khám, không tự động mua thêm chai mới tiếp tục sử dụng. Bác Duy cũng đưa ra lời khuyên, để bảo vệ mũi, chị cần xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý để giữ niêm mạc mũi ẩm, giảm đau rát mũi, đồng thời sử dụng máy điều hòa hợp lý và vệ sinh máy định kỳ. Khi hết thời gian cách ly, chị có thể tái khám kiểm tra tình trạng phì đại cuốn mũi. Tại buổi “khám Online” bác sĩ đã tận tình hướng dẫn chị cách xịt mũi để giảm đau rát, tránh tổn thương điểm mạch vách ngăn mũi. Tổng kết buổi “Khám bệnh Online” với bác sĩ Duy có tới 90% bệnh nhân đã dùng thuốc theo đơn cũ, hoặc tự sử dụng các thuốc xịt mũi.
Trước đó, “Phòng khám Online” của BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Tai Mũi Họng BVĐK Tâm Anh TP.HCM cũng nhận được rất nhiều câu hỏi của người bệnh về việc tái sử dụng toa thuốc cũ. Sau khi xem xét một toa thuốc người bệnh bị viêm lưỡi, bác sĩ Hằng cho biết thành phần thuốc chủ yếu là các loại vitamin, người bệnh có thể tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, bác sĩ đưa ra lời khuyên người bệnh chỉ nên tiếp tục đơn thuốc cũ từ 5-7 ngày. Nếu tình trạng không hết người bệnh cần phải đến bệnh viện thăm khám để bác sĩ xem xét việc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân. Đồng thời, bác sĩ có thể lấy mẫu trên bề mặt niêm mạc lưỡi để kiểm tra người bệnh có thực sự nhiễm nấm hay không, nếu nhiễm nấm có thể điều trị bằng thuốc kháng nấm.
Theo BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, người bệnh mắc bệnh lý tai mũi họng cũng có thể sử dụng đơn thuốc cũ, tuy nhiên đơn thuốc sẽ có sự thay đổi như sử dụng thêm thuốc khác, tăng giảm liều, tạm hay cho ngừng hẳn thuốc. Thực tế, chỉ có một số bệnh nhân mắc bệnh tai mũi họng có thể áp dụng kéo dài đơn thuốc cũ, riêng các trường hợp cấp cứu, hay các trường hợp viêm nhiễm nặng, sốt cao, ho nhiều, chảy máu, hóc dị vật…thì bắt buộc phải đến bệnh viện khám để được bác sĩ xử lý kịp thời, cấp thuốc điều trị đúng.
Người bệnh Tai Mũi Họng không nên trì hoãn đến bệnh viện
Đối với bệnh tai mũi họng, vẫn có nhiều trường hợp bệnh nhân cần cấp cứu như điếc đột ngột, dị vật đường thở, chảy máu vùng mũi họng, diễn tiến nặng có nguy cơ tử vong. Tai mũi họng là bộ phận tiếp xúc bên ngoài cơ thể, có tới 90% nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn, nấm, virus hay dị ứng. Một số bệnh như viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, viêm mũi dị ứng có một số triệu chứng giống Covid-19 càng khiến người bệnh càng lo lắng, nghi ngờ bản thân liệu có thể mắc Covid-19. Bên cạnh đó, rất nhiều người mang bệnh lý tai mũi họng lo lắng tình trạng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến họ trì hoãn thăm khám cũng sẽ xảy ra một số trường hợp nguy cơ như bệnh chuyển nặng, phát triển thành mạn tính, hay từ một bệnh tấn công một cơ quan ban đầu, do không được điều trị sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Theo ThS.BS Phạm Thái Duy, bệnh lý về tai mũi họng không phải là bệnh riêng của từng bộ phận. Tai mũi họng có cấu tạo liên thông với nhau, vì thế nếu chủ quan với bệnh nhẹ người bệnh vẫn có thể mắc thêm bệnh khác ở hệ thống đa cơ quan này. Nếu một người viêm họng nhẹ nhưng không được chữa trị kịp thời sẽ gây ra viêm thanh quản, viêm phế quản phổi, hoặc người bị viêm mũi thông thường sẽ gây ra viêm xoang mạn tính. Bác sĩ Duy lấy dẫn chứng, một khách hàng gọi đến “Phòng khám Online” với bác sĩ Duy có tình trạng viêm xoang mạn tính, hiện người bệnh đau nhức ù tai 2 bên, có polyp mũi, nghẹt mũi kéo dài 2 tháng. Bác sĩ Duy đã tư vấn cho người bệnh, viêm xoang dẫn đến nhiều biến chứng, ù tai, đau tai để lâu dài thì có thể gây biến chứng viêm tai giữa, nếu nặng hơn có thể gây viêm tai xương chũm. Do đó người bệnh cần đi khám sớm, để điều trị cùng một lúc 2 vấn đề xoang – tai.
Theo các bác sĩ, việc tuân thủ khám bệnh định kỳ sẽ cải thiện chất lượng điều trị bệnh lý tai mũi họng, điều trị đúng đích, giảm biến chứng, ngăn ngừa bệnh chuyển thành bệnh mạn tính và giảm chi phí điều trị. Ngoài ra, khi thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cách vệ sinh tai mũi họng, cách sử dụng thuốc xịt mũi đúng liều lượng, cách bảo vệ đôi tai, giọng nói…
Nếu trường hợp người mắc bệnh lý tai mũi họng ở trong khu phong tỏa, chưa thể đi khám bệnh thì cần ghi lại các mốc diễn tiến bệnh và thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc đăng ký “Phòng khám Online” của khoa Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM để được tư vấn miễn phí. Qua hoạt động “Khám bệnh Online” các bác sĩ sẽ tư vấn và đánh giá tình trạng bệnh, phân loại bệnh lý cần nhập viện, cần tái khám, cũng như tình trạng nào có thể sử dụng thuốc điều trị tại nhà.
Để được trở thành khách hàng “Phòng khám Online” của khoa Tai Mũi Họng BVĐK Tâm Anh, khách hàng có thể đăng ký qua những cách sau:
- Gọi tổng đài chăm sóc khách hàng qua hotline 0287.102.6789 để đăng ký với điện thoại viên.
- Đăng ký trực tuyến tại đường link: https://tamanhhospital.vn/danh-cho-khach-hang/dat-lich-kham/?id-khoa=62
- Gửi tin nhắn trên Fanpage BVĐK Tâm Anh hoặc Fanpage Tai Mũi Họng – BVĐK Tâm Anh
- Nhắn tin qua Zalo OA của Tâm Anh
Comments are closed.