Gặp “chiến binh” thông tim can thiệp thời kỳ đầu của Việt Nam – BS.CKII Huỳnh Ngọc Long
Với bệnh nhân, anh không chỉ là ân nhân mà còn là người truyền năng lượng; với đồng nghiệp anh không chỉ là đồng đội mà còn là người truyền cảm hứng; trong ngành y anh chính là “chiến binh” xông xáo, bền bỉ góp sức xây nên những phòng thông tim can thiệp đầu tiên tại Việt Nam. Anh là BS.CKII Huỳnh Ngọc Long – Trưởng khoa Thông tim can thiệp, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Tinh thần “chiến binh tuổi 18”
Anh sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo của tỉnh Tây Ninh, trong một gia đình có 9 anh chị em. Ba mẹ làm nghề nông, chỉ đủ lo cơm ăn áo mặc cho các anh chị em. Thuở trung học, sáng cắp sách đến trường, chiều anh lại ra đồng phụ gia đình. Tối khi cả nhà ngủ say, anh lại chong đèn “sôi kinh nấu sử”. Những năm 80 ở thế kỷ trước, anh là một trong số ít những người con hiếu học vùng đất đỏ đỗ đạt vào trường Đại học Y Dược danh tiếng đất Sài thành.
Trong khi các anh chị em, người theo nghề giáo, người làm kỹ sư, người ở nhà nội trợ, người theo nghề buôn bán, anh lại một mình dấn thân theo nghề y. “Hồi năm lớp 12 tôi mê Bách Khoa lắm, nhưng gần cuối học kỳ 1 thì anh tôi định hướng thi trường Y vì nếu theo ngành kỹ thuật chỉ làm được vài chục năm rồi về hưu, trong khi đó, học nghề bác sĩ có thể làm cả đời, không chỉ chăm lo cho gia đình mà còn giúp người, giúp đời. Năm đó xảy ra nạn đói, nhà nào cũng khó khăn…”
Thế là, người “chiến binh” tuổi 18 Huỳnh Ngọc Long bắt đầu hành trình xông pha đầu tiên trong cuộc đời. Một mình khăn gói xuống vùng đất Sài Gòn hoa lệ, hành trang của anh khi đó chỉ có mấy bộ quần áo, đôi sandal cũ, sách vở cùng chiếc túi chất đầy niềm tin và tình thương của hai vị thân sinh tần tảo.
Trong 6 năm bôn ba “tầm sư học đạo” đó, tờ mờ sáng anh đã thức dậy phụ cô dọn hàng ra chợ rồi đạp xe lên giảng đường, trưa về chở hàng đi giao rồi đến bệnh viện, tối về dọn hàng tới 11-12 giờ đêm. Do không có thời gian ôn bài nên anh thường chăm chú lắng nghe và quyết tâm học bài ngay tại lớp. Ngày ngày chạy đi chạy về như con thoi nhưng kết quả học tập của bác sĩ Huỳnh Ngọc Long luôn ở tốp đầu, được thầy yêu bạn quý. Anh là một trong 18 người đỗ đầu niên khóa 1983 – 1989. Với tấm bằng bác sĩ Nhi loại giỏi, anh cũng đồng thời trở thành một trong những thủ khoa đầu tiên của tỉnh Tây Ninh.
Mang nhiệt huyết của một bác sĩ trẻ, anh hăm hở trở về nhà với mong muốn giúp đỡ bà con quê mình thoát khỏi đau đớn bệnh tật. Anh kể: “Lúc chân ướt chân ráo về Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, tôi được đề nghị phụ trách khoa Cấp cứu – đơn vị mà khi đó không bác sĩ nào dám nhận. Với bản tính thích xông pha, càng gian nan lại càng trui rèn cho mình ý chí và nghị lực, tôi gật đầu không chút do dự. Và cũng từ ngày đó, tôi ẩn mình trong phòng làm việc suốt 2 tuần liền, mọi sinh hoạt diễn ra trong khuôn viên 6m2. Tôi bắt đầu ôn tập thần tốc những kiến thức của 6 năm đại học gồm nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, nhi – sơ sinh… để có thể xử trí những ca bệnh cấp cứu cho cả trẻ em và người lớn. Rồi tôi bắt đầu viết các phác đồ cấp cứu, ngộ độc…; tự mình đi kiếm mua từng dụng cụ đo huyết áp; tìm từ cái cân sức khỏe; vừa khám bệnh, vừa cho y lệnh, vừa hỗ trợ điều dưỡng chích ven truyền dịch, vừa theo dõi chỉnh giọt dịch truyền…
Lúc đó, gần như chúng tôi phải làm việc 24 tiếng/ngày với 101% sức lực. Trong hơn 6 năm công tác tại đây, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận trên dưới 50 ca cấp cứu, có nhiều ca rất nặng, bệnh nhân ho ra máu, ai cũng tránh xa sợ nhiễm bệnh. Tôi phải tự hà hơi thổi ngạt, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, cho y lệnh, chỉnh dịch truyền từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều để cứu em bé; có ca ngộ độc nhưng bệnh viện không có máy thở, chúng tôi phải túc trực bơm bóng suốt 12 ngày 12 đêm… Giai đoạn đó thiếu thốn về cả nhân sự lẫn trang thiết bị, để cứu được một mạng người là cả nỗ lực rất lớn của các y bác sĩ.”
Chính những năm tháng làm việc bất kể thời gian, quên cả bản thân mình đã trui rèn nên một “chiến binh” Huỳnh Ngọc Long đầy bản lĩnh và nghị lực. Đó cũng là nền tảng để người chiến sĩ ấy tiếp tục xông pha ra trận địa lớn hơn, cam go hơn – Tự mình ứng tuyển vào Viện tim TP.HCM và đã vượt qua 4 vòng thi đầy thử thách: phần thi chuyên môn, ngoại ngữ Anh – Pháp, vòng phỏng vấn của đại diện hiệp hội bảo trợ Viện Tim và vòng phỏng vấn của Ban giám đốc.
“Trúng tuyển vào Viện tim TP.HCM, tôi được giao trọng trách quản lý khối nội, ngoại: sáng mổ tim, chiều khám bệnh, siêu âm, điều trị nội khoa, tối trực hồi sức cấp cứu. Khoảng thời gian đó chúng tôi làm 24/24, hăng say lắm, ngày nào cũng tới bệnh viện từ tờ mờ sáng và rời bệnh viện khi phố đã lên đèn, có lần vợ dặn đón con mà có ca cấp cứu, vào phòng mổ không kịp nhắn tin về nhà, đến khi về tới nhà vợ hỏi mới nhớ ra chưa đón con về…”
Ba năm sau, năm 1999, bác sĩ Huỳnh Ngọc Long trở thành một trong ba bác sĩ Việt Nam đầu tiên được cử đi đào tạo kỹ thuật thông tim can thiệp tại Bệnh viện Broussais & HEGP (Paris, Pháp). Đây cũng là bước ngoặt đầu tiên trong sự nghiệp của vị bác sĩ trẻ.
“Những năm trực cấp cứu, tôi từng gặp rất nhiều ca bệnh nặng, có những ca chỉ cần mình làm tốt cấp cứu nhồi máu cơ tim. Còn thông tim là cứu được 20% bệnh nhân, giảm tỷ lệ tử vong, về lâu dài sẽ giảm xác suất suy tim. Thông tim là một thủ thuật can thiệp xâm lấn nhưng ở mức tối thiểu mà hiệu quả, tuy nhiên cần máy móc hiện đại và chuyên gia thành thạo kỹ thuật, thao tác nhuần nhuyễn. Thời điểm đó, ngành này còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng khi được ban giám đốc tin tưởng và hơn hết là bệnh nhân mong đợi nên chúng tôi phải nỗ lực hết mình.”
Và từ đó, ngành thông tim can thiệp “chọn” bác sĩ Huỳnh Ngọc Long như “cái duyên tiền định” để rồi đến hôm nay những “ngôi nhà thông tim” đã được “phủ sóng” khắp Sài thành cùng nhiều tỉnh thành cả nước. Dù ở tuổi gần 60, bác sĩ Huỳnh Ngọc Long vẫn hăm hở, xông pha, sẵn sàng mang kỹ thuật thông tim đến những miền xa với tinh thần của người “chiến binh tuổi 18” năm nào.
Xem thêm: Khớp Thiên Vương – Hỗ Trợ Giảm Đau Nhức Xương Khớp (Hộp 60 viên). Chi tiết tại đây!
Và câu chuyện “ngôi nhà thông tim 10 tầng”
Sau ca thông tim đầu tiên tự mình thực hiện trên đất Pháp suôn sẻ, được Thầy giáo người Pháp khen ngợi và khích lệ, bác sĩ Huỳnh Ngọc Long tự tin trở về Việt Nam.
Từ việc cùng đồng nghiệp xây dựng phòng thông tim can thiệp đầu tiên ở Viện tim TP.HCM đến nay, bác sĩ Huỳnh Ngọc Long đã góp phần đào tạo và chuyển giao kỹ thuật thông tim cho 24 bệnh viện tại TP.HCM như: Viện Tim TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Tim Tâm Đức, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Hoàn Mỹ… và các bệnh viện tỉnh An Giang, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định… Đây là những nấc thang đầu tiên để người chiến binh Huỳnh Ngọc Long dần chạm đến ước mơ lớn hơn – Xây “ngôi nhà thông tim 10 tầng” ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Anh chia sẻ: “Thông tim là một kỹ thuật đòi hỏi thao tác phải cực nhanh, cực chính xác và cực hiệu quả vì thời gian sống của bệnh nhân cấp cứu nhồi máu cơ tim được tính bằng phút. Theo tiêu chuẩn thế giới, thời gian từ lúc đo đến khi đặt dụng cụ tốt nhất trong vòng 70 phút vì mỗi tiếng trôi qua, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân tăng lên 1%. Do đó, ba bí kíp ‘gối đầu giường’ mà Thầy giáo người Pháp đã truyền dạy cho tôi đó là: 1 – Rèn luyện và phối hợp nhuần nhuyễn động tác tay – chân, đôi tay phải khéo léo tạo thành phản xạ, cầm dụng cụ như cầm vô-lăng, cảm nhận và ghi nhớ để đẩy chính xác; 2 – Kỹ năng nhìn hình ảnh phán đoán sự di lệch, tổn thương mạch vành; 3 – Vẽ đường đi trong đầu để khi tiến hành thì đưa dụng cụ một cách thần tốc và dứt khoát. Để làm được điều này, một bác sĩ thông tim phải học từ 18 tháng – 2 năm và không ngừng tập luyện. Đó là lý do nhiều người thấy lạ khi bắt gặp tôi đang đọc sách mà cánh tay vận động không ngừng. Tôi luôn kết hợp làm 2 công việc trong cùng một thời điểm.”
Lần giở từng trang bản thảo “ngôi nhà mơ ước” ấy, bác sĩ Huỳnh Ngọc Long hào hứng kể tiếp: “Khi được đào tạo ở Pháp, tôi có thể làm nhiều mảng nhưng do điều kiện vật chất và nhân lực nước mình còn thiếu nên hầu như tôi chỉ có thể tập trung phát triển kỹ thuật thông tim. Từ khi bước chân vào ngành thông tim, tôi luôn ấp ủ ước mơ phát triển một trung tâm can thiệp nội mạch toàn diện, có thể hiểu như một siêu bệnh viện trong một bệnh viện, không chỉ can thiệp tim mạch mà còn mở rộng đến 10 lĩnh vực như: tim, não, gan, thận, động mạch chủ bụng, mạch tử cung, động mạch chi, động mạch tạng…
Cơ duyên đưa tôi gặp Chủ tịch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – ông Ngô Chí Dũng và được sự ủng hộ của PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch cũng như các đồng nghiệp tại đây, ước mơ ấy đã được chắp cánh. Bệnh viện Tâm Anh có đa chuyên khoa với rất nhiều khoa chủ lực được đầu tư bài bản, trang thiết bị hiện đại, chuyên gia đầu ngành – giàu kinh nghiệm, và phối hợp chặt chẽ có thể hội chẩn, điều trị liên chuyên khoa, toàn diện, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.”
Lấy công việc làm niềm vui và hạnh phúc của người bệnh làm động lực phấn đấu, với bác sĩ Huỳnh Ngọc Long một tuần có 7 ngày và một ngày 24 tiếng dường như vẫn chưa đủ. “Tôi rất tâm đắc câu nói của một người Thầy – PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh ‘Đã là bác sĩ thì không được phép dừng lại!’. Câu châm ngôn ấy đã trở thành kim chỉ nam theo tôi từ những ngày đầu vào nghề đến hôm nay. Tôi luôn nhắc nhở mình không chỉ liên tục khỏe mà còn liên tục phát triển, không cho phép mình bằng lòng với thực tại cho dù mình đã làm tốt rồi… Với những bác sĩ thông tim chúng tôi, chỉ cần người bệnh qua cơn nguy kịch là bao mệt mỏi tan biến. Có những lúc tôi làm việc liên tục đến 48 tiếng/ngày, vừa làm việc cơ quan vừa nhận trực cấp cứu cho cả thành phố khi các đồng nghiệp đi công tác cần mình hỗ trợ nhưng không biết mệt vì cứ mỗi trái tim trở lại nhịp đập là hạnh phúc lại nhân đôi.”, bác sĩ Long chia sẻ.
Hơn 20 năm công tác trong ngành thông tim can thiệp, bác sĩ Huỳnh Ngọc Long không nhớ hết mình đã giúp được bao người thoát cửa tử trong gang tấc. Anh chỉ trăn trở vì người bệnh đến bệnh viện quá muộn: “Tôi từng cứu một bệnh nhân nhưng để đưa người ấy qua cơn ‘thập tử nhất sinh’ thì hai người con phải bán hết tài sản vì số tiền lo cho cha nằm viện lên đến hàng tỷ đồng. Điều đó cũng khiến tôi day dứt mãi. Giá như mỗi người chúng ta quan tâm sức khỏe mình hơn, chủ động tầm soát bệnh sớm hơn và tuân thủ điều trị tới nơi tới chốn thì sẽ tránh được những nỗi đau thể xác và cả tinh thần.”
Vì thế, bên cạnh nỗ lực cứu chữa bệnh nhân, anh cũng đang ấp ủ ý tưởng xây dựng Câu lạc bộ 150 – nơi anh có thể chia sẻ những kiến thức chăm sóc sức khỏe, những công thức “ăn uống + tập luyện” mà anh đúc kết và trải nghiệm, những câu chuyện cuộc sống…, đặc biệt là truyền tinh thần lạc hồng của “chiến binh tuổi 18” để giúp mọi người không chỉ sống khỏe mà còn sống vui đến 150 tuổi.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi kết thúc khi đèn đường đã giăng khắp phố, người thủ lĩnh Huỳnh Ngọc Long vội vã rời bước để trở về “ngôi nhà thông tim” ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh nơi anh đang ngày ngày truyền lửa cho những chiến binh tinh nhuệ nhất của mình để sẵn sàng xung trận vào cuối năm nay.
Comments are closed.