Bệnh nhân thay khớp háng 81 tuổi – Bình phục đi lại sau 2 ngày
Trong giãn cách xã hội, số lượng ca té ngã của người lớn tuổi nhập viện phẫu thuật tại BVĐK Tâm Anh gia tăng đáng kể. Chẩn đoán đúng và phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân vượt qua nguy hiểm, có thể đi lại và xuất viện chỉ sau 2 ngày.
Người cao tuổi té ngã, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nếu không được phẫu thuật sớm
Cụ bà Nguyễn Kim Hạnh (81 tuổi, TP HCM) được chuyển đến BVĐK Tâm Anh trong tình trạng không thể đi lại do tai nạn té ngã tại nhà. Trước đó 4 ngày, khi di chuyển trong nhà cụ Hạnh bị vấp và ngã. Thấy cụ vẫn còn đi lại được, ít đau đớn, nên gia đình không đưa đi bệnh viện khám, phần vì lo sợ dịch bệnh. Hai ngày sau, cụ lại tiếp tục té ngã trong nhà vệ sinh. Lần này, cụ đau đớn nhiều hơn, nhất là vùng hông trái, không thể đi lại được. Gia đình cụ đã liên lạc với rất nhiều bệnh viện chuyên khoa nhưng đều trong tình trạng quá tải hoặc ưu tiên điều trị Covid-19, khi liên hệ được BVĐK Tâm Anh xác nhận đồng ý tiếp nhận điều trị, gia đình mừng rơi nước mắt.
ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học (BVĐK Tâm Anh) trực tiếp khám cho cụ Hạnh cho biết, cụ bị gãy kín cổ xương đùi trái phân loại Garden IV, di lệch nhiều, tuy nhiên không thể áp dụng cấp cứu nắn lại các di lệch và kết hợp xương bằng vít hoặc một loại nẹp đặc biệt DHS kèm vít như cho người trẻ tuổi. Người bệnh lớn tuổi đều đã bị loãng xương nên mật độ xương kém, nếu gãy cổ xương đùi di lệch nhiều, thay khớp háng là lựa chọn an toàn và mang lại hiệu quả cao nhất. Bởi nếu nắn lại phần xương gãy thì sau đó chỏm xương đùi vẫn sẽ hoại tử, do không còn được cấp máu nuôi dưỡng. TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình BVĐK Tâm Anh TP HCM và ê kíp quyết định phẫu thuật thay khớp háng bán phần để cụ có thể đi lại ngay và tránh được những biến chứng kể trên.
Theo các chuyên gia lão khoa, đối với một người bệnh nói chung, nằm cố định một chỗ trong tình trạng chấn thương xương khớp sẽ bị giới hạn vận động, bất tiện trong sinh hoạt cá nhân. Đặc biệt với người cao tuổi, té ngã gây gãy xương thường nằm bất động thời gian dài. Hệ luỵ thường gặp nhất là huyết khối tĩnh mạch, nhiễm trùng tiểu có thể tiến triển suy thận, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, loét tì đè… do bất động lâu từ 6-8 tuần. Biến chứng thuyên tắc phổi do nằm lâu có thể tiến triển suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong rất nhanh. Nếu không được can thiệp kịp thời và đúng cách, nguy cơ tử vong của người cao tuổi bị té ngã gãy cổ xương đùi, tăng từ 30-50% trong năm đầu tiên.
Mặc dù xác định phẫu thuật thay khớp bán phần là tối ưu trong trường hợp này, tuy nhiên do bệnh nhân cao tuổi, thể trạng yếu và có các bệnh mãn tính, do đó, chỉ định phẫu thuật phải có Hội chẩn đa khoa, phân tầng nguy cơ tim mạch, đột quỵ, thuyên tắc huyết khối; hệ thống giai đoạn tiền phẫu và hậu phẫu; đồng thời đánh giá nguy cơ chảy máu chu phẫu để có thể tiên lượng một cách chính xác các rủi ro có liên quan đến quyết định lựa chọn loại phẫu thuật, thời gian và cách dùng thuốc, nhằm đảm bảo an toàn trong suốt cuộc phẫu thuật và hậu phẫu.
Việc thay khớp háng bán phần tại BVĐK Tâm Anh hiện nay được TS.BS Tăng Hà Nam Anh thực hiện bằng kỹ thuật Superpath. Kỹ thuật này không xâm lấn nhiều đến cơ, vết mổ chỉ dài 5cm, không cắt cơ và bao khớp sau. Bệnh nhân mất rất ít máu, giảm đau tối đa, bảo tồn tối đa các cấu trúc cơ khớp, tránh trật khớp. Song song, bác sĩ cũng sử dụng phương pháp giảm đau đa mô thức kết hợp phục hồi chức năng ngay sau phẫu thuật.
Chưa đầy 24 giờ từ khi nhập viện, cụ Hạnh được phẫu thuật thay khớp háng và hoàn tất chỉ sau 30 phút.
Xem thêm: ĐIỀU TRỊ TRIỆU CHỨNG CỦA THOÁI HOÁ KHỚP
Thay khớp háng: không đau, đi lại ngay sau 2 ngày
Ngày đầu tiên sau mổ, bác sĩ phục hồi chức năng và kỹ thuật viên vật lý trị liệu đến tận giường bệnh hỗ trợ cụ tập các động tác tại giường như ngồi lên, đứng dậy với khung trợ giúp, tập các bài tập hỗ trợ hô hấp… Sang ngày thứ 2, người bệnh đã bắt đầu tập đi lại tự do với khung, không có bất cứ giới hạn vận động nào. Cụ Hạnh thậm chí có thể thực hiện các động tác từng xem là điều “cấm kỵ” khi thay khớp háng trước đây bao gồm: ngồi xổm, vắt chân chữ ngũ… Chị Cao Huyền, con gái cụ Hạnh, chia sẻ: “Đến nay, mẹ tôi xuất viện đã được hơn 19 ngày. Sức khỏe ổn định. Cả gia đình cảm thấy đây quả là một điều kỳ diệu. Chúng tôi thật sự không dám tin là mẹ có thể tập đi từ ngày thứ 2 sau mổ và nay đã thoải mái di chuyển mà không cần bất kỳ dụng cụ hỗ trợ nào cả. Mùa dịch căng thẳng, việc mẹ được điều trị kịp thời và hiệu quả như thế này là một may mắn lớn cho gia đình tôi”.
Té ngã là một trong những tai nạn thường gặp, đặc biệt ở người cao tuổi. Ở Mỹ, té ngã là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người ≥ 65 tuổi, tiêu tốn 31 tỷ đô la/năm cho chi phí điều trị (số liệu thống kê năm 2015). Ở nước ta, một nghiên cứu được thực hiện năm 2014 cho thấy, 57,1% bệnh nhân điều trị các chấn thương ở độ tuổi > 60 và hầu hết là do gặp tai nạn té ngã trong nhà vệ sinh, vấp võng, té cầu thang…
Để bảo vệ và phòng tránh té ngã ở người cao tuổi một cách hiệu quả, TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh, cho biết: “Sự đánh giá toàn diện cần được thực hiện từ các bác sĩ chấn thương chỉnh hình, lão khoa và phục hồi chức năng gồm phòng ngừa và điều trị các yếu tố nguy cơ té ngã, các tư thế bảo vệ cho dù có té ngã để giảm thiểu nguy cơ chấn thương. Trong đó, việc phòng ngừa té ngã phải được quan tâm hàng đầu. Việc điều trị, theo dõi sát các bệnh lý nội khoa ảnh hưởng đến khả năng vận động, di chuyển cũng như điều trị loãng xương sớm và phù hợp cũng có vai trò rất quan trọng trong việc giảm tối đa nguy cơ chấn thương, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi”.
Việc té ngã ở người cao tuổi thường được dự đoán bằng những tình huống tương tự trước đó và gồm những nguyên nhân phổ biến như: yếu tố môi trường (sàn nhà trơn trượt, nhà mới chưa quen địa hình…); yếu tố hoàn cảnh (thiếu ánh sáng, không tập trung khi đi lại…); yếu tố bên trong (mắt mờ, khả năng cân bằng kém, yếu cơ…).
Vì vậy, các gia đình có người cao tuổi nên lắp thêm thanh vịn cầu thang và những khu vực trơn trượt như nhà vệ sinh, sân vườn, dán miếng phản quang ở các bậc tam cấp… Khi tai nạn xảy ra, nhất là vào những ngày giãn cách xã hội như hiện nay, TS.BS Tăng Hà Nam Anh nhắc nhở thân nhân trước tiên là xem xét tình trạng chấn thương, kiểm tra tri giác xem người bệnh còn tỉnh táo không, có khó thở không, có đau đầu hay không, cử động tay chân thế nào… Nếu người bệnh có dấu hiệu mất tri giác, tuyệt đối tránh thay đổi tư thế đột ngột và thận trọng cố định vùng đầu cổ. Nếu người bệnh còn tỉnh, nên cho nằm nghỉ ngơi.
Đặc biệt, người thân nên liên lạc ngay với cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn các bước xử lý tiếp theo, tùy vào tình trạng cụ thể. Việc trì hoãn điều trị chấn thương té ngã ở người già có thể làm mất đi thời gian vàng chẩn đoán và điều trị, đặc biệt làm tăng nguy cơ tàn phế đáng tiếc và giảm tuổi thọ ở người cao tuổi. Hiện nhiều bệnh viện đảm bảo công tác phòng dịch tốt, sẵn sàng cấp cứu và điều trị, phẫu thuật cho người bệnh, do đó, các gia đình nên cố gắng tranh thủ đưa người bệnh đến bệnh viện sớm nhất. Không chỉ có Covid-19, nhiều bệnh tật và chấn thương có thể nguy hiểm đến tính mạng của mọi người, TS.BS Tăng Hà Nam Anh nhấn mạnh.
Comments are closed.