Bác sĩ Vũ Năng Phúc – “người bạn vui tính ” của các bệnh nhi tim
“Tôi đang ấp ủ ước mơ phát triển toàn diện BVĐK Tâm Anh, trở thành một bệnh viện mang tầm khu vực về tim mạch nhi, bao gồm bệnh tim bẩm sinh từ sơ sinh tới người trưởng thành”, BS.CKI Vũ Năng Phúc, Trưởng khoa Tim bẩm sinh, chia sẻ về mong muốn của anh khi về công tác tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Cách đây 25 năm, khi mới chân ướt chân ráo bước vào giảng đường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), bác sĩ Vũ Năng Phúc vẫn còn bỡ ngỡ với con đường mình đã chọn. Chọn học ngành y chỉ vì có năng khiếu với bộ môn Sinh – Hóa, suốt quãng thời gian năm nhất đại học, trong anh chưa hề tồn tại khái niệm “đam mê với nghề”. Phải đến khi lên năm hai, được đi thực tập lâm sàng và có dịp tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, tình yêu với chiếc áo blouse trắng mới lớn dần, thôi thúc anh dành nhiều thời gian và tâm huyết cho việc nghiên cứu, tìm tòi nhằm phát triển chuyên môn với nguyện vọng được phục vụ cho người bệnh.
Tự đặt ra thử thách cho mình
Cầm trong tay tấm bằng đại học sau những đêm thức trắng để hoàn thành luận văn, bác sĩ Vũ Năng Phúc đứng trước nhiều ngã rẽ sự nghiệp. Trong đó, Tim mạch, đặc biệt Tim mạch nhi, là lĩnh vực phức tạp và nhiều thử thách nhất. Anh quyết định tự tạo ra thách thức cho mình, gắn bó với Tim bẩm sinh từ đó.
Càng học càng hứng thú, càng nghiên cứu càng say mê, có những hôm sau buổi trực trắng đêm, bác sĩ Vũ Năng Phúc trở về nhà và tiếp tục vùi mình vào những trang sách. Không chỉ vậy, anh còn học hỏi kinh nghiệm từ các bậc đàn anh ở nhiều bệnh viện: Viện Tim TP.HCM, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi đồng 1 và chọn tu nghiệp tại Viện Tim mạch Quốc gia Malaysia học nâng cao về Tim mạch nhi. Đây là trung tâm tim mạch hàng đầu tại Malaysia, có điều kiện tương tự như Việt Nam và thực hành như một bác sĩ Malaysia.
Xem thêm: Varilin – Hỗ Trợ Giảm Nguy Cơ Suy Giãn Tĩnh Mạch
Sau những năm tháng nghiên cứu và tìm tòi ấy, bác sĩ Vũ Năng Phúc nhận ra với sự đóng góp của nhiều thế hệ bác sĩ Việt Nam, nhất là trong 10 năm gần đây, nền y học nước ta đã dần bắt kịp trình độ tim mạch nói chung và tim mạch nhi nói riêng so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, một vài ngành mũi nhọn không những bắt kịp và còn vượt lên trên các nước bạn. Đây là một tín hiệu rất đáng tự hào.
Điều trị một ca bệnh tim người lớn vốn đã phức tạp, chữa trị cho một đứa trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh càng khó khăn hơn. “Nhanh, cẩn thận, tỉ mỉ và chính xác” – đó là những yếu tố tiên quyết quyết định mức độ thành công của một ca chữa tim bẩm sinh. Điều này áp dụng với tất cả các khâu từ thăm khám, tới các kiểm tra cận lâm sàng như X-quang, điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ, thông tim, phẫu thuật tim, hồi sức tim mạch…
Bác sĩ Vũ Năng Phúc nhớ lại: “Siêu âm tim – đó là bước chẩn đoán hình ảnh cơ bản nhất mà hầu như bất cứ ca tim nào cũng cần kinh qua. Với người lớn thì dễ hơn, vì họ thường thực hiện chính xác các đề nghị của bác sĩ để quá trình siêu âm diễn ra nhanh chóng. Nhưng trẻ em thì khác. Từ không gian, môi trường, người “lạ” với các cháu, ánh sáng tối của phòng siêu âm… đều dễ khiến các bé lo lắng, hoảng sợ, không chịu nằm im, quấy khóc. Điều này buộc nhiều bác sĩ phải đưa ra hướng xử lý là tiền mê cho bé. Tôi chọn một hướng đi khác, đó là nói “không” với thuốc ngủ. Tôi thiết kế phòng siêu âm thành một không gian thân thuộc với ánh sáng bình thường, có tivi, có âm nhạc, có phim hoạt hình phù hợp với lứa tuổi các bé; những bé nhỏ hơn thì được dỗ dành bằng thú bông, kẹo mút… Bằng cách đó, có thể hướng sự chú ý của bé qua thứ khác, và bé sẽ nằm yên cho chúng tôi siêu âm. Ngoài ra, nhiều “ca khó”, mình phải hiểu ý và “chiều” từng cháu như phải “mang dép mới cho siêu âm”, siêu âm tim trong tư thế đứng… Đôi khi, thất bại với mọi biện pháp, chúng tôi lại nhắc bản thân kiên nhẫn và chờ đợi thực hiện sau. Hơn 10 năm nay rồi, nhóm tim bẩm sinh chúng tôi không hề đụng tới thuốc ngủ khi siêu âm tim cho các bệnh nhân nhí”.
Luôn biết cách hóa giải khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, bác sĩ Vũ Năng Phúc đã tìm thấy niềm vui sau những lần giải được bài toán về một ca tim bẩm sinh phức tạp. “Tim bẩm sinh khó đấy, nhưng khi biết cách tìm ra hướng đi thì nó trở nên đơn giản, thậm chí rất dễ dàng.”, bác sĩ Phúc chia sẻ.
Cùng với cái tâm khi làm nghề và tình yêu dành cho các bạn nhỏ, bác sĩ Vũ Năng Phúc đã giúp hồi sinh biết bao em bé, có những em tưởng như không qua khỏi khi được phát hiện mắc bệnh tim từ khi mới lọt lòng.
Niềm vui nhân lên theo những nụ cười
Tuân theo tôn chỉ “Làm hết mình” từ khi mới vào nghề, gặp bất cứ ca bệnh nào, bác sĩ Vũ Năng Phúc cũng nỗ lực tìm hiểu, tra xét tài liệu để chẩn đoán đúng và giải quyết đến triệt để. Nhờ đó, anh phát hiện được rất nhiều ca bệnh lạ và hiếm trong y văn. Khi tìm ra đúng bệnh, điều trị đúng hướng, sẽ mang lại kết quả tốt nhất. Nhưng chỉ cần đi trật hướng một chút, hậu quả sẽ khôn lường.
Anh nhớ mãi một ca phẫu thuật tim, vốn được cho là thành công nhưng sau mổ, bệnh nhi vẫn còn mệt rất nhiều. Sau khi thực hiện đủ hình thức chẩn đoán hình ảnh, anh mới phát hiện ngoài bệnh lý đang điều trị, bé còn bị lủng van tim, phải phẫu thuật lại. Chính vì vậy, anh không cho phép bản thân thiếu cẩn trọng dù chỉ trong phút chốc. Mọi triệu chứng, dấu hiệu đều phải cân nhắc chặt chẽ, các yếu tố phản biện phải được giải quyết, xem các mối tương quan nhân quả có thỏa đáng chưa… Tất cả các điều trên sẽ giúp hạn chế sai sót trong y khoa.
Một trong những yếu tố rất quan trọng của tim mạch nhi, đó là tính “teamwork”. Để lĩnh vực này phát triển mạnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các bộ phận từ bác sĩ chẩn đoán, bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê cho đến điều dưỡng và cả người thân của trẻ. Chỉ khi được chăm sóc và điều trị theo một quy trình khép kín: chẩn đoán chính xác, phẫu thuật đúng hướng và chế độ hậu phẫu phù hợp, bệnh nhi mới mau chóng hồi phục. Tiếc là hiện nay, như bác sĩ Vũ Năng Phúc tâm sự, ngành tim mạch nhi nước ta chưa đạt đến mức độ teamwork cao nhất. Đó là lý do chúng ta còn chênh lệch một bậc so với các nước bạn. Nhưng anh tin chỉ trong vòng 5 – 10 năm nữa, bằng sự cố gắng hết mình của từng cá nhân và tập thể, khoảng cách này sẽ được xóa nhòa.
Sứ mệnh cao cả trong tương lai
Mang theo tâm huyết, dự định và cả những mơ ước còn dang dở khi về với Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bác sĩ Vũ Năng Phúc hy vọng ước mơ của anh về một ngành tim bẩm sinh phát triển toàn diện sẽ sớm trở thành hiện thực. Anh bộc bạch: “Tôi đã chọn một ngành khó, đòi hỏi phải có nguồn lực mạnh mới phát triển được. Ở bệnh viện Tâm Anh, tôi nhận thấy có sự đầu tư bài bản và chuyên nghiệp: đội ngũ y bác sĩ giỏi nghề, hệ thống trang thiết bị tiên tiến, cơ sở vật chất tiện nghi, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Tất cả các yếu tố đó tạo cho tôi niềm tin, rằng lĩnh vực tim bẩm sinh tại đây đã có được nền móng tốt để phát triển. Tôi sẽ có cơ hội chữa lành cho nhiều bệnh nhi hơn, trả lại cho các em cuộc sống bình thường và nụ cười hồn nhiên trong trẻo”.
Khi đã quyết theo nghề y, người bác sĩ nào cũng hướng tới mục tiêu “Don’t do harm”, và bác sĩ Vũ Năng Phúc cũng không ngoại lệ. Anh luôn lấy bệnh nhân làm trung tâm khi hành nghề, tìm hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, cố gắng giảm thiểu tối đa biến chứng. Suốt hơn 20 năm qua, dù công tác ở đâu, anh cũng xem đây là phương châm làm nghề mà mình cần tuân thủ. Anh tự hào vì trong ngần ấy năm khám chữa bệnh, mình đã làm hết trách nhiệm với bệnh nhân. Và món quà lớn nhất mà bác sĩ Vũ Năng Phúc nhận được chính là nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt các bé.
Comments are closed.