Bác sĩ Phạm Thục Minh Thủy: “Cứ tìm sẽ thấy, hết lòng sẽ hái quả ngọt”
“Môi con hồng, không còn tím nữa bác sĩ ơi”. Nghe câu nói của em bé bị tim bẩm sinh vẫn hồn nhiên, vui đùa; bác sĩ Phạm Thục Minh Thủy như được truyền thêm động lực để dấn thân vào con đường Tim bẩm sinh – một lĩnh vực nhiều khó khăn thách thức nhưng không kém phần thú vị và nhân văn, với mong mỏi “trẻ bị bệnh tim vẫn có được những điều đẹp nhất của tuổi thơ, được đi chơi và đi học như các bạn cùng trang lứa”.
Dòng nhật ký cả một trời thương nhớ
Một trong những yếu tố góp phần quyết định thành công của một ca phẫu thuật tim trẻ em, theo bác sĩ Minh Thủy, đó chính là việc chăm sóc bệnh nhân toàn diện trước, trong và sau mổ. Tiếc là tại Việt Nam, không ít em bé ở miền quê nghèo được tài trợ viện phí mổ, nhưng người nhà bé lại nghĩ đơn giản: “Mổ xong là hết bệnh” nên bé không có được quá trình theo dõi hậu phẫu hợp lý. Hậu quả là có những trẻ có thể gặp biến chứng nặng nề hoặc quá chỉ định cho lần can thiệp tiếp theo. Vì vậy nên dù áp dụng phương pháp hiện đại đến đâu, bác sĩ cũng khó lòng cứu vãn.
Quá trình thăm khám và điều trị cho các em nhỏ, bác sĩ Thủy cảm nhận được nhiều hơn lời dạy của các thầy cô: “Nếu tìm thì sẽ thấy, còn không tìm thì chẳng bao giờ thấy được”. Vậy nên, việc thăm khám cho một em nhỏ mất thời gian hơn so với người lớn rất nhiều. Nếu không có đủ tình yêu với trẻ thơ cũng như sự kiên trì lắng nghe, cảm nhận và thấu hiểu, người bác sĩ sẽ không thể làm tròn trọng trách.
Ở đoạn nhật ký, chị viết: “C. là đứa trẻ tôi gặp trong hoàn cảnh éo le. Mọi thứ dường như chẳng thể làm gì thêm vì lần thứ ba phẫu thuật rất khó khăn. Nhiều lần, con bé cũng tự nói “con không muốn mổ nữa đâu”. Sự thật đến cả phẫu thuật viên cũng ngần ngại tiến hành một lần mổ nữa cho bé, vì vết thương cũ đã tạo mô xơ dính rất nhiều và khó khăn khi tiếp cận bít những lỗ dò trong tim, từ miệng ống nối. Con bé mỗi lần đến khám, mỗi lần tím nặng hơn. Đỉnh điểm một lần, tôi nghe con bé không chịu uống thuốc, tôi rất giận và nói “con không uống thuốc nữa thì đừng lên gặp bác sĩ để khám cho con nữa”. Tôi đã sai khi làm vậy. Tôi thấy nó khóc. Tôi đột nhiên muốn ôm nó vào lòng, nói lời xin lỗi. Nhưng tôi sợ, khi tôi làm vậy, nó không biết rằng việc ngưng thuốc có thể làm tắc ống thông và nó sẽ chết. Cứ vậy mà bác sĩ thì nghẹn lời, hai mẹ con thì khóc. Nhìn con ngày càng tím, tôi nguyện với lòng mình, sẽ làm gì đó cho con. Cứ mỗi đợt có giáo sư nước ngoài nào sang, tôi cũng mở hình siêu âm của con ra hỏi, có đợt can thiệp nào tôi cũng thiết tha: “liệu giáo sư đó có giúp được cho C. không?”.
Xem thêm: Bảo Khí Khang công dụng tăng cường sức khỏe đường hô hấp. Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh viêm phế quản mạn, hen (suyễn), phổi tắc nghẽn mạn tính – COPD.
Cực với mỗi ca bệnh là vậy nhưng đổi lại, bác sĩ Thủy thường xuyên nhận được những niềm vui nho nhỏ đến từ các bé. Đó là những bức tranh, những món quà nhỏ xinh do các bé tự tay vẽ, tự tay lựa chọn, trang trí gửi tặng, tượng trưng cho tình cảm yêu thương và lòng biết ơn dành cho người bác sĩ đã hết lòng với mình. Những món quà ấy là vô giá, và bác sĩ Thủy luôn dành sự trân trọng cho tất cả, bởi: “Niềm vui của người thầy thuốc, đôi lúc chỉ đơn giản vậy thôi!”.
Yêu ngành y từ đồ chơi thuở nhỏ
Đến với nghề y vì ước mong trở thành bác sĩ như cô bác sĩ Thảo gần nhà và ước mơ này đã được ươm mầm từ những bộ dụng cụ bác sĩ, áo blouse trắng mẹ mua cho trong trò chơi hồi bé, lời hẹn cùng vào trường y khoa với cô bạn thuở nhỏ… Ngày ngày theo chân các bác sĩ đàn anh, đàn chị thăm khám cho bệnh nhân, tất cả những gì bác sĩ Thủy học được trong sách vở như hiện ra sinh động trước mắt. Dần dần, tình yêu và niềm đam mê của cô sinh viên dành cho nghề y nói chung và tim mạch nói riêng lớn dần, thôi thúc cô dành nhiều tâm huyết hơn.
Thời còn là sinh viên Đại học Y Dược TP.HCM đến sau này ra trường, bác sĩ Phạm Thục Minh Thủy may mắn gặp và được học hỏi từ nhiều thầy cô giáo. Trong đó, người Thầy mà cô hết mực ngưỡng mộ và kính trọng chính là PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – người có nhiều năm gắn bó với Viện Tim TP.HCM, Viện Tim Tâm Đức trước khi về làm giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Bác sĩ Minh Thủy kể: “Thầy Vinh có một kho sách vô cùng lớn. Có lẽ nhờ thế mà vốn kiến thức của thầy rất rộng. Được thầy dạy dỗ, chúng tôi hình thành thói quen chăm đọc sách lúc nào không hay. Sáng nào gặp tôi, câu đầu tiên của thầy thường là: “Tối hôm qua con đọc bài gì?”. Tuy có chút áp lực nhưng tôi rất vui, bởi nhờ thầy mà những bác sĩ trẻ mới toanh như tôi đã thu nạp thêm nhiều kiến thức hữu ích cho quá trình làm việc sau này”.
Bác sĩ Phạm Thục Minh Thủy nhớ những lần vui sướng khi nhìn các bé khỏe lại, tăng cân, đi học lại sau những đợt bệnh kéo dài. Cũng không ít lần, trái tim người thầy thuốc đau thắt lại khi phải nói lời chia tay với các con. Cô nhớ mãi về một ca bệnh khó mà cô trực tiếp điều trị cách đây nhiều năm. Lúc đó, cô vừa từ Malaysia trở về sau khóa tu nghiệp và gặp một em bé 6 tháng tuổi mắc bệnh cơ tim hạn chế. Những hiểu biết về bệnh, những can thiệp y khoa vẫn chưa đủ đầy nên cô và đồng nghiệp đành bất lực nhìn bé ra đi. Vẫn biết có những bệnh tiên lượng rất kém, bác sĩ Minh Thủy cảm thấy đau lòng và day dứt, nhưng điều đó luôn nhắc nhở cô rằng thế giới y khoa rộng lớn, người làm bác sĩ phải cố gắng học thêm mỗi ngày.
Và bước ngoặt hứa hẹn tạo đột phá
Về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là một bước ngoặt lớn trên con đường sự nghiệp của bác sĩ Phạm Thục Minh Thủy. Lần đầu tiên nghe tới một bệnh viện mới khai trương, cô có chút phân vân: “Ở Tâm Anh có gì thú vị? Liệu mình phát triển được gì hơn khi về đây?…”. Nhưng rồi, cô bị thuyết phục hoàn toàn sau khi gặp và trò chuyện cùng ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị BVĐK Tâm Anh. Cô kể: “Tất cả những gì mà một người bác sĩ cần để xây dựng ước mơ trọn vẹn trong công việc, học tập và nghiên cứu, chủ tịch đều đảm bảo sẽ hỗ trợ hết lòng khi đến với Tâm Anh. Tôi ấn tượng việc ông hiểu nỗi lòng của các bác sĩ và tin vào lời hứa ấy. Cho đến nay, dù mới về đây trong thời gian ngắn nhưng đã chứng minh niềm tin của tôi đặt đúng chỗ và tôi không hề hối hận với quyết định của mình. Bệnh viện Tâm Anh là môi trường quá lý tưởng để các bác sĩ như tôi có thể vừa làm việc, vừa học tập, vừa nghiên cứu. Chính những nghiên cứu này ngoài góp phần cho y học, còn giúp ích cho cả bệnh nhân và cộng đồng”.
Trong nghề y, hầu như tất cả các chuyên khoa (chứ không riêng gì tim mạch) đều đề cao “teamwork”. Nghĩa là, cả bác sĩ nội khoa, phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê hồi sức và điều dưỡng thuộc cùng một khối và cùng chăm sóc người bệnh. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hiện tại, có phẫu thuật viên giỏi, hệ thống phòng mổ tốt, phương tiện chăm sóc sau mổ chu đáo, đội ngũ nhi khoa và sơ sinh giỏi, bấy nhiêu đó là đủ tạo nên nền tảng vững chắc giúp điều trị và hỗ trợ tốt nhất cho bệnh nhân.
Bên cạnh công tác khám chữa bệnh, những khi có thời gian rảnh, bác sĩ Thủy lại dành cho thú vui trồng cây, đọc sách, viết lách và vẽ tranh. Cô hào hứng khoe về cuốn sách mình đang viết dở có tên “Nhật ký những trái tim xanh đỏ”, tổng hợp những câu chuyện y khoa gần gũi, chân thực trong cuộc đời y nghiệp của mình. Bác sĩ Thủy hy vọng thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, về sức khỏe mà cô gửi gắm qua cuốn sách sẽ đến được với đông đảo độc giả, để mọi người biết quan tâm, trân trọng hơn “kho báu” sức khỏe mà mình đang nắm giữ.
Giờ đây, khi được làm công việc mình yêu thích cùng với người Thầy đáng kính và những đồng nghiệp thân thiết, bác sĩ Thủy tự nhủ phải luôn hết lòng với những gì mình làm, đặt vào đó cả tâm huyết và đam mê. Bởi lẽ, chỉ cần có đam mê và nỗ lực thì sẽ vượt qua mọi khó khăn và đạt được thành công. Còn quá trẻ và ấp ủ nhiều ước mơ, dự định trong công việc, với bác sĩ Phạm Thục Minh Thủy, con đường phát triển sự nghiệp dường như chỉ mới bắt đầu.
Comments are closed.