BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Nhân chứng lịch sử của nội soi sản phụ khoa Việt Nam

Nhận nhiệm vụ “xóa mù” nội soi sản phụ khoa cho các bác sĩ

Quay lại thời điểm cách đây 28 năm, cả Bệnh viện Từ Dũ rộn ràng khi lần đầu tiên được lựa chọn là đầu cầu duy nhất tại châu Á, thực hiện truyền hình trực tiếp ca phẫu thuật nội soi thai ngoài tử cung đến hội nghị Phẫu thuật nội soi Phụ khoa toàn châu Âu được tổ chức tại thủ đô Paris của Pháp.

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi – lúc đó chưa tới 30 tuổi đã trở thành nhân chứng lịch sử khi chị được Ban Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ tin tưởng giao trọng trách trực tiếp thực hiện ca mổ truyền hình đến hội nghị tại Paris và nhiều đầu cầu trên toàn thế giới. Sự thành công của ca phẫu thuật đã được toàn thể hội nghị khen ngợi và cũng từ đó phẫu thuật nội soi Việt Nam bắt đầu có tên trên bản đồ y khoa thế giới.

Chị nhớ lại: “Hai ngày trước khi hội nghị diễn ra và vào ngày hội chính thức, cả bệnh viện náo nức chộn rộn khi đài truyền hình VTV3 đến từ 2 ngày trước để bố trí hội trường, sắp xếp máy móc, kết nối đường truyền internet quốc tế với Paris và thử liên tục để bảo đảm không xảy ra sự cố mất tín hiệu… chuẩn bị truyền những thước phim đẹp đến Paris và nhiều nơi khác trên thế giới. Tôi nhớ hoài hình ảnh Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng khi đó là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ là người điều phối chính tại đầu cầu Việt Nam, di chuyển liên tục lên xuống giữa khu vực phòng mổ và xe trạm kỹ thuật VTV3 đặt ở sân bệnh viện vào chiều ngày diễn ra cầu truyền hình. Hình ảnh cô ngồi trong xe trạm kỹ thuật của VTV3 ngay trước thời điểm bệnh nhân bắt đầu được gây mê khiến tất cả ekip tại phòng mổ đều cảm nhận an tâm và thêm tự tin suốt quá trình trước và trong khi diễn ra cầu truyền hình.

Tại thời điểm diễn ra cầu truyền hình, Sài Gòn điểm 6 giờ chiều thì tại Paris là 12 giờ trưa. Lần đầu tiên tôi thực hiện ca mổ khi có nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới dõi theo. Tôi thật sự căng thẳng và hồi hộp khi nhận trọng trách lớn đại diện cho Bệnh viện Từ Dũ, “trình diễn” ca mổ trong khi lĩnh vực phẫu thuật nội soi phụ khoa của bản thân tôi còn non trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm. Phẫu thuật nội soi bảo tồn vòi trứng trong bệnh lý thai ngoài tử cung về mặt kỹ thuật không khó, nhưng thành công không chỉ đơn thuần là kỹ thuật mổ mà phải là sự phối hợp của cả một tập thể trong đó không thể thiếu lãnh đạo bệnh viện, toàn bộ ekip mổ bao gồm phẫu thuật viên phụ, bác sĩ gây mê hồi sức, các dụng cụ viên, ngân hàng máu, bộ phận kỹ thuật truyền thông và các trang thiết bị quan trọng của nội soi được công ty Karl Storz cung cấp đều được kiểm tra bởi chính đại diện chính tại Việt Nam bấy giờ là ông Philippe Lux. Nếu bảo tồn được vòi trứng sẽ giúp người phụ nữ trẻ chưa có con còn có cơ hội được làm mẹ.

Không ngoài dự đoán, với mọi chuẩn bị chu toàn của lãnh đạo bệnh viện, toàn bộ ekip mổ, của Đài truyền hình VTV3 lúc đó, ca phẫu thuật đã thành công mỹ mãn, được toàn thể hội nghị tại Paris và các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao, tạo tiếng vang lớn cho chuyên ngành phẫu thuật nội soi trong phụ khoa tại Việt Nam.

Năm 1996, khoa Nội soi của Bệnh viện Từ Dũ chính thức thành lập. Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi được bổ nhiệm làm Phó trưởng khoa Nội soi, và một năm sau đó, chị là người có độ tuổi trẻ nhất tại bệnh viện được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Nội soi nhận trọng trách quản lý khoa lúc bấy giờ.

Từ ca mổ nội soi thai ngoài tử cung truyền hình ra thế giới thành công, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi bắt đầu có thêm động lực, không ngừng học hỏi tìm tòi đưa các tiến bộ của khoa học, những kỹ thuật mang tầm đỉnh cao của phẫu thuật nội soi phụ khoa vào ứng dụng trong điều trị như: kỹ thuật mổ qua nội soi thai ngoài tử cung nằm ở vị trí khó như cạnh động mạch chủ, cạnh động mạch chậu ngoài… mổ u buồng trứng, cắt tử cung toàn phần, bán phần, bóc nhân xơ tử cung, bệnh lý lạc nội mạc tử cung, treo tử cung bàng quang trực tràng sa tạng chậu, nối ống dẫn trứng, lấy khối nhau thai bám sẹo mổ lấy thai, ung thư tử cung, ung thư cổ tử cung…

Xem thêm: Sử dụng Testoherb 1 Hour sẽ hỗ trợ kích thích cơ thể sản sinh hormone testosterone nội sinh, hỗ trợ điều trị chứng liệt dương & xuất tinh sớm. Chi tiết tại: https://coastlinecare.vn/testoherb-1-hour-ho-tro-tang-cuong-suc-khoe-sinh-ly-nam-hop-16-vien/

Sự kiện này đã trở thành điểm sáng trong ngành Sản phụ khoa, đưa Bệnh viện Từ Dũ trở thành trung tâm đầu tiên trên cả nước huấn luyện và đào tạo về phẫu thuật nội trong phụ khoa. Nhiều thế hệ bác sĩ ở nhiều tỉnh thành khác nhau trên toàn quốc như: Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Long An, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội… đã đến Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM học phẫu thuật nội soi. Đến nay, chị đã tham gia huấn luyện đào tạo, cầm tay chỉ việc cho hơn 50 khóa đào tạo về phẫu thuật nội soi căn bản và 20 lớp phẫu thuật nội soi nâng cao, cho các bệnh viện có nhu cầu đào tạo chuyên sâu về các phẫu thuật nội nâng cao, phức tạp. Và ngay tại Bệnh viện Từ Dũ, Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi cũng được Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng giao nhiệm vụ huấn luyện “xóa mù” nội soi cho tất cả bác sĩ của bệnh viện, và công việc này ngày nay đã trở thành chương trình đào tạo thường quy cho mọi bác sĩ bệnh viện Từ Dũ.

Tiếng lành đồn xa, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi cùng đồng nghiệp đã được mời đi hướng dẫn chuyển giao phẫu thuật nội soi Phụ khoa tại Lào, Campuchia, Philippines, Indonesia….

Với chất giọng truyền lửa, suy nghĩ quyết đoán, nụ cười thường trực; có lẽ nhiều người nghĩ con đường hoa hồng đã rải sẵn dưới chân chị; thế nhưng để có được thành công như hôm nay, đã có lần bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi muốn buông xuôi mọi thứ.

Đừng để kiến thức hôm nay là quá khứ ngày mai

Từ nhỏ, chị hay theo mẹ vào bệnh viện và trung tâm bảo sanh – nơi mẹ làm việc có lẽ chị đã “quen mùi bệnh viện”. Sau khi tốt nghiệp y khoa chị được nhận vào làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ, và 3 năm sau đó lãnh đạo bệnh viện Từ Dũ đã đề xuất chị theo học chương trình sau đại học và phẫu thuật nội soi tại Pháp. “Lúc đó, phẫu thuật nội soi còn quá xa lạ ở xứ mình nên nhiều bác sĩ chưa tự tin về việc có thể phát triển được. Khoảng thời gian đó cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn, các anh chị đồng nghiệp lớn có gia đình cần chăm sóc, nhiều nhiệm vụ lớn tại bệnh viện. Nghĩ mình còn quá trẻ, chưa vướng bận nhiều trọng trách như các anh chị, cơ hội tiếp cận nền y học tân tiến như tại Pháp là cơ hội lớn để phát triển bản thân và mong muốn góp phần đưa các kỹ thuật mới áp dụng vào bệnh viện… nên mình đi ngay”. Nhưng những ngày đầu trở lại Việt Nam, chị bị sốc vì bao nhiêu ước mơ, hoài bão không thể thực hiện được ngay.

“Tại Pháp, khi tiếp cận được những kỹ thuật y khoa tiên tiến, tôi tự hỏi không biết bao giờ Việt Nam mới đuổi kịp nước Pháp. Tôi suy nghĩ về nhiệm vụ của mình và tự dặn lòng cố gắng hết sức để khi trở về phải áp dụng được các kiến thức sản phụ khoa cập nhật, các kỹ thuật mới… Nền y học Việt Nam khi đó còn gặp nhiều khó khăn để tiếp cận cái mới, không có internet, email, facebook… như hiện nay, vì vậy để thuyết phục lãnh đạo bệnh viện và các đồng nghiệp ủng hộ ngay lập tức cho các đề xuất quá mới mẻ là việc không dễ dàng một sớm một chiều. Ví dụ, muốn chẩn đoán phân biệt về thai trong tử cung hay thai ngoài tử cung, thai đang phát triển hay đã ngừng phát triển ở giai đoạn sớm, thì việc sử dụng chỉ định định lượng beta HCG trong máu có thể các đồng nghiệp không đồng thuận và đôi khi còn bị cho là vẽ vời thêm xét nghiệm. Vì vậy, đã có không ít trường hợp thai ngoài tử cung được chẩn đoán rất trễ, khiến khối thai bị vỡ dẫn đến mất máu nhiều cho người bệnh, phải bị truyền máu trong khi mổ và nhất là lúc bấy giờ chuyên ngành hỗ trợ sinh sản nước nhà chưa hình thành và phát triển như bây giờ, việc không thể bảo tồn vòi trứng đã làm mất cơ hội mang thai khi người bệnh chưa có con.

Trở về nước, phẫu thuật nội soi được triển khai nhanh, nhưng khó khăn nhất khi đó là trang thiết bị dụng cụ còn rất khan hiếm, thô sơ, chỉ có thể đủ để thực hiện các kỹ thuật cho điều trị thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng nhỏ… Và nếu không may một thiết bị hay dụng cụ nào trong bộ máy nội soi bị hư thì không thể thực hiện phẫu thuật nội soi được nữa, ngay cả việc cắt vòi trứng trong thai ngoài tử cung, hoặc cắt u nang buồng trứng đơn giản nhỏ, chứ nói gì đến việc phát triển các kỹ thuật khác khó hơn.

Tôi nhớ một lần, công ty Karl Storz của Đức báo với Giáo sư Ngọc Phượng và ban giám đốc bệnh viện họ có nhã ý tặng bệnh viện một dụng cụ là cây đốt lưỡng cực giúp cầm máu trong phẫu thuật nội soi, mà cả phòng mổ và các phẫu thuật viên vui như đón xuân về. Món quà này đang nằm tại Huế, và để nhận được món quà này, ban giám đốc bệnh viện đã cử tôi tức tốc đi máy bay ra Đà Nẵng, từ đó đi xe đò ra Huế để nhận “báu vật”. Thời đó nhiều khó khăn cho các bệnh viện và ngành y tế, muốn mua một trang thiết bị, dụng cụ gì dù là đơn giản nhưng cũng phải ít nhất 3 – 6 tháng mới có hàng, chứ không phải như bây giờ, có thể báo nhà phân phối là trong vài giờ có thể có hàng để sử dụng ngay. Và cũng chính trong bối cảnh nước nhà còn khó khăn nhiều như vậy, việc triển khai các kỹ thuật cao, các ca nội soi phức tạp hơn như cắt tử cung, bóc nhân xơ tử cung… cứ bị trồi lên sụt xuống liên tục.

“Tôi từng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ ngỡ ngàng, sốc, đến ấm ức thất vọng vì những hoài bão của mình không thể thực hiện được. Nhiều lúc tôi đã có ý nghĩ muốn dừng, buông xuôi và cho tất cả vào ký ức nhưng nghĩ lại, tại sao các bác sĩ Pháp làm được mà mình làm không được, chẳng lẽ mình sẽ để hoài phí công sức và kỳ vọng của lãnh đạo bệnh viện, của nhiều đồng nghiệp vẫn muốn thay đổi. Và rồi các khúc quanh khó khăn cũng lần lượt đi qua trong nụ cười và nước mắt, trình độ chúng tôi bắt đầu thay đổi gần nhau hơn, không có sự chênh lệch quá xa về tri thức và cập nhập cái mới, các thành công của các ca mổ bằng nội soi được bệnh nhân khen ngợi, sự mong đợi của họ… là động lực cho tôi và các đồng nghiệp phát huy thế mạnh của mình, tạo niềm tin cho người bệnh và các đồng nghiệp gần xa. Tôi chấp nhận sẽ phải mất nhiều năm, 5 năm, 10 năm, 15 năm để thay đổi…”, bác sĩ Mỹ Nhi nhớ lại.

Không bằng lòng với chứng nhận hoàn tất sản phụ khoa sau đại học, nội soi cơ bản và vi phẫu, để chinh phục được đồng nghiệp trong nước về khả năng của các phẫu thuật viên Việt Nam, năm 1996, chị lại tiếp tục hành trình sang Pháp để học phẫu thuật nội soi tại Đại học Auvergne Clermont Fremont. Chị được Giáo sư Maurice Antoine Bruhat – người được xem như cha đẻ của ngành phẫu thuật nội soi phụ khoa châu Âu trực tiếp hướng dẫn chị. Chưa dừng lại, chị lại học tiếp phẫu thuật nội soi buồng tử cung tại Đại học Paris Sud với bác sĩ Jacques Hamou. Nhờ có được chứng nhận phẫu thuật nội soi của các trường Đại học Âu châu, chị trở thành giảng viên chính thức về phẫu thuật nội soi Phụ khoa, từ đó chị có cơ hội tham gia “xóa mù” cho nhiều đồng nghiệp tại bệnh viện của mình và trên toàn quốc.

Chính giọng nói như truyền lửa y khoa và cách truyền nghề bằng cả chân tâm của chị “kiến thức y khoa không bao giờ dừng lại vì ngày hôm nay đã là quá khứ của ngày mai” đã tạo động lực cho nhiều thế hệ bác sĩ trẻ càng say mê với nghề.

Vừa nghỉ hưu, chị không cho phép mình hưởng thụ mà một lần nữa sát cánh cùng nhiều bác sĩ giỏi để xây dựng Trung tâm Sản Phụ khoa ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Chia sẻ về điều này, chị lý giải: “Có thể nói Bệnh viện Từ Dũ là nơi đã tạo ra bác sĩ Nhi và cho chị thành danh ngày hôm nay, chị đã gắn bó chung thủy từ sau khi tốt nghiệp y khoa, nhận nhiệm sở bệnh viện Từ Dũ và làm việc nơi đây đến khi nghỉ hưu. Cống hiến về mặt quy định hành chính dừng lại ở nơi này nhưng lại là mở đầu cho một nơi khác. Chị đã từng suy nghĩ mất ngủ khi đứng giữa biết bao ngã rẽ để quyết định nơi thứ hai sau Bệnh viện Từ Dũ sẽ là lối rẽ nào để mình tiếp tục cống hiến cho đời. Cuối cùng chị đã chọn về Bệnh viện Tâm Anh bởi nơi đây với tôn chỉ chú trọng phát triển huấn luyện đào tạo, nghiên cứu khoa học, đẩy sâu chuyên môn, tự đứng trên năng lực và đôi chân vững chắc của mình để phát triển bệnh viện và phục vụ người bệnh, phù hợp với quan điểm của chị.

“Chúng tôi đã và đang xây trung tâm huấn luyện phẫu thuật nội soi trong sản phụ khoa, bệnh lý sàn chậu, chẩn đoán và can thiệp bào thai. Và sắp tới bệnh viện Tâm Anh sẽ trang bị phẫu thuật nội soi bằng robot…, hy vọng giúp giảm gánh nặng phần nào cho các bệnh viện của hệ thống công lập đang quá tải. Hiện nay, chúng tôi đã có trung tâm huấn luyện đào tạo và nghiên cứu khoa học, Vụ khoa học công nghệ cũng đã thẩm định để bệnh viện Tâm Anh có thể cấp CME – chứng chỉ đào tạo y khoa liên tục cho các bác sĩ.

Comments are closed.