ThS.BS Huỳnh Khiêm Huy: Chuyên gia “thôi miên tim”
Có những trái tim được hồi sinh không đến từ máy móc hiện đại hay phác đồ y khoa chuẩn… mà nằm ở linh cảm của người bác sĩ. Những kỳ tích này đôi khi không thể chứng minh bằng y học nhưng có thể chứng minh bằng lòng nhiệt thành và tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ của y bác sĩ.
Cứu những trái tim ngừng đập quá 45 phút
Vừa bóp bóng hỗ trợ thở, xoa bóp tim ngoài lồng ngực và dùng thuốc trợ tim nhưng suốt 2 tiếng đồng hồ bé trai 3 tuổi bị cùng lúc 4 khiếm khuyết ở tim (Tứ chứng Fallot) vẫn không đập trở lại. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo blouse, bác sĩ Huỳnh Khiêm Huy vẫn ấp ủ niềm hy vọng rằng có thể cứu bé khỏi cánh cửa tử thần. Và điều kỳ diệu đã đến, chỉ số nhịp tim, huyết áp bắt đầu hiện lên trên máy monitor theo dõi sinh hiệu.
Nhanh tay, bác sĩ Khiêm Huy ngưng giai đoạn xoa bóp tim ngoài lồng ngực và nhanh chóng chuyển sang giai đoạn hồi sức tích cực, hình ảnh nhịp tim từ một đường thẳng tắp đã bắt đầu hiện lên những nhịp đập đều đặn trên màn hình máy monitor đang đặt ở đầu giường – dấu hiệu cho thấy sự hồi sinh của bé. Đây chỉ là một trong số nhiều ca bệnh rơi vào “thập tử nhất sinh” được bác sĩ Khiêm Huy hồi sức tim phổi thành công.
Chia sẻ về lần hồi sinh tim thành công này, ThS.BS Huỳnh Khiêm Huy, hiện là Trưởng khoa Hồi sức tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) tiết lộ: “Theo y văn, nếu thực hiện quá 45 phút hồi sinh tim phổi tích cực mà người bệnh vẫn không có dấu hiệu hồi phục thì bác sĩ có thể quyết định ngừng hồi sinh. Nhưng với linh cảm của một bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức tim, có nhiều trường hợp, bản thân tôi và đồng đội phải động viên nhau để cùng nhồi tim – bóp bóng liên tục tới 2 tiếng, 3 tiếng… đến khi không còn hy vọng mới dừng lại.”
Trong suốt nhiều năm hành nghề, bác sĩ Huy nhận ra rằng, có những trái tim được hồi sinh không đến từ máy móc hiện đại hay phác đồ y khoa chuẩn… mà nằm ở linh cảm của người bác sĩ. Những kỳ tích này đôi khi y học không thể chứng minh, nhưng có một điều giải thích được – đó là lòng nhiệt thành và trái tim chiến đấu không ngừng nghỉ cũng như tâm huyết của đội ngũ y bác sĩ vì cuộc chiến giành lại sự sống cho người bệnh
Xem thêm: Varilin – Hỗ Trợ Giảm Nguy Cơ Suy Giãn Tĩnh Mạch
“Làm bác sĩ hồi sức không gì vui sướng và hạnh phúc hơn khi giành lại sự sống cho người bệnh ngay trước ranh giới sinh tử. Đặc biệt, ở những em bé mắc bệnh tim bẩm sinh có tím như Tứ chứng Fallot (thông liên thất, thất phải phì đại, hẹp đường ra thất phải, động mạch chủ cưỡi ngựa lên vách liên thất) thường có sức sống rất mãnh liệt nên mới có thể vượt qua được, bởi các bé đã chiến đấu đơn độc ngay từ những ngày mới lọt lòng với trái tim có nhiều khiếm khuyết nên khả năng chịu đựng với những đợt suy tim, những cơn tím thiếu oxy luôn luôn kiên cường hơn những trẻ khác.
Bén duyên với lĩnh vực gây mê hồi sức tim, khi được tuyển thẳng vào trường Đại học Y Dược TP.HCM, lúc ra trường anh quyết định chọn khoa Gây mê – hồi sức là nơi gắn bó và anh nhận định đó là cái nghiệp chứ không còn là cái nghề, bởi hồi sức là nơi thường xuyên tiếp xúc những ca bệnh nặng, thập tử nhất sinh, niềm vui cũng nhiều mà nỗi buồn không ít. “Do đó, tôi luôn tâm niệm rằng bác sĩ khi đã ‘lỡ’ mang sứ mệnh hồi sức tích cực thì phải luôn luôn dốc toàn lực ngay từ lúc đầu, bởi sinh mạng con người là điều quý giá nhất và chỉ có một”, bác sĩ Huy bày tỏ.
Giải mã lý do cho bệnh nhân ngủ 3 ngày 3 đêm
Theo ThS.BS Huỳnh Khiêm Huy, gây mê hồi sức của trẻ em và người lớn giống nhau về cách thức nhưng “tuyệt chiêu” khác nhau.
Đối với trẻ em, các bác sĩ cần tỉ mỉ thao tác với các dụng cụ siêu nhỏ để phù hợp với cơ thể em bé.
Còn ở người lớn, có những trường hợp sau khi mổ tim phải cho người bệnh ngủ liền suốt mấy ngày đêm, không những giúp vết mổ có thời gian hồi phục và xoa dịu căng thẳng cho người bệnh do đau mà còn giảm bớt hoạt động của tim, nếu để tim hoạt động nhiều trong giai đoạn này sẽ khiến thời gian hồi phục của bệnh nhân chậm hơn.
Trải qua nhiều bệnh viện lớn tại TPHCM, cuối cùng anh chọn Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh làm bến đỗ. Anh ví cuộc đầu quân này như “cá gặp nước”, để anh thỏa sức cống hiến cho lĩnh vực gây mê hồi sức tim mạch yêu thích lâu nay. Hiện tại do nhu cầu phát triển ngày càng chuyên sâu nhưng lại có ít bác sĩ chọn hướng đi gây mê hồi sức tim. Do đó, việc thành lập đội ngũ gây mê – phẫu thuật – hồi sức tim được trọn vẹn như Trung tâm Tim mạch ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là điều vô cùng quý giá. Người bệnh được điều trị tim mạch tại đây sẽ được chăm sóc theo quy trình khép kín từ khâu chuẩn bị phẫu thuật đến khâu gây mê, hồi sức, sau mổ mà ở mỗi khâu đều có đội ngũ chuyên môn sâu đảm trách.
Đặc biệt, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Tâm Anh còn xây dựng mô hình phục hồi sớm sau mổ tim. Người bệnh có thể xuất viện sau vài ngày mổ, đây là một trong những mô hình tân tiến được áp dụng gần đây trong lĩnh vực phẫu thuật tim. Với cơ sở hạ tầng khang trang, máy móc trang thiết bị hiện đại hàng đầu cùng với sự quy tụ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia y tế đầu ngành ở Việt Nam có trình độ chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực, Bệnh viện Tâm Anh hội tụ đủ điều kiện để phát triển mô hình này.
Bác sĩ gây mê hồi sức là người đồng hành, hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ phẫu thuật, giúp họ thêm tự tin can thiệp cho những ca nặng, ca khó phức tạp, những em bé sơ sinh… Chia sẻ hướng đi về hồi sức tim mạch, bác sĩ Huy bật mí: “Chúng tôi đang áp dụng những kỹ thuật mới, cùng với trình độ chuyên môn tiệm cận với quốc tế, để những trái tim Việt Nam lỗi nhịp đều được chữa lành”.
Comments are closed.