Bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên: Đột phá những bước mổ tim thế kỷ
Không chỉ tiên phong thực hiện những ca mổ tim phức tạp, mở ra cuộc đời mới cho hàng chục ngàn bệnh nhân; bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên còn thay đổi cả một thế hệ y khoa, tạo ra bước ngoặt mổ tim hoàn chỉnh cho nhiều bác sĩ Việt Nam.
Đưa những trái tim về đúng hệ tuần hoàn
Cuối năm 2017, nhiều bác sĩ “nín thở” hướng về Viện Tim TP.HCM theo dõi bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên đi từng đường mổ, chỉnh sửa tim bị đồng dạng phải (không phân rõ phải trái) cho bé trai Minh Khang mới 1,5 tháng tuổi. Đây không phải là ca đầu tiên bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên thực hiện nhưng vì bệnh tim bẩm sinh một thất này thuộc loại đặc biệt trên thế giới.
Thông thường, tim nằm nghiêng bên trái, gan bên phải…; nhưng tim của bé Minh Khang lại nằm ngay chính giữa. Bé không có lách, gan nằm 2 bên, không có động mạch phổi, máu đi từ phổi về tim cũng bất thường. Chính vì không phân cực nên bệnh nhi không có 2 ngăn bên trái và bên phải – vốn được ví như 2 máy bơm của tim. Thông thường, tim phải bơm máu lên phổi để nhận oxy, đưa về tim trái bơm máu đi nuôi cơ thể. Cơ chế vận hành này giống nhà máy xử lý nước sạch – nước bẩn với 2 máy bơm tách biệt nhau. Nhưng do tim bé có một thất (một máy bơm) nên máu đen và máu đỏ trộn lẫn nhau khiến bé suy tim (nếu máu bơm nhiều lên phổi) hay tím lét (do máu không nhận đủ oxy).
Xem thêm: GHV KSOL – Giúp Bổ Sung Các Chất Chống Oxy Hóa (Hộp 30 viên). Chi tiết tại đây.
“Đây là thể bệnh phức tạp nhất mà tôi từng gặp! Ở những ca bệnh này, án tử luôn được báo trước. Và khi nhìn thấy những giọt nước mắt của người mẹ trẻ, tôi tự hỏi sao mình không thắp lên ngọn lửa hy vọng. Rồi tôi nói chuyện với gia đình cậu bé rất nhiều để họ chuẩn bị tâm lý. Để bệnh nhi sống bình thường thì máu phải cung cấp đủ oxy. Ca mổ sẵn sàng, ekip mổ bắt đầu thay đổi tuần hoàn cơ thể, đồng thời sửa chữa, thiết kế lại đường ống động mạch để máu có thể lưu thông, dẫn về tim. Chỉ cần một sai sót nhỏ có thể khiến đường ống kẹt, dẫn đế hệ thống đứng lại, nguy hiểm cho bé”, bác sĩ Viên hồi nhớ.
Sau 4 giờ sửa chữa tim lỗi nhịp, vị chuyên gia phẫu thuật tim hàng đầu Việt Nam đã thiết lập được hệ thống mới cho phù hợp với cơ thể bé Khang vốn có “một máy bơm”. Ông đảo lộn hết hệ tuần hoàn. Máy bơm này được chuyển đổi công năng, chỉ dành cho việc vận chuyển máu đi nuôi cơ thể. Còn máu lên phổi trao đổi oxy thì để tự chảy mà không cần máy bơm do tim gần phổi. Sau mổ, bé ổn định mỗi ngày, không còn xanh xao và nhanh nhẹn hơn trước.
Bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên chia sẻ, kỹ thuật này được thế giới thực hiện từ những năm 1960 – 1970, giúp việc “máy bơm” của bệnh nhân có tim một thất đạt được 70% công suất như người bình thường. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công sau mổ là 50%. Còn tại Việt Nam, ở thời điểm trước năm 2000 không có nơi nào điều trị. Trẻ sinh ra bị tim một thất sẽ chết, có bé thì lay lắt được 3-6 tháng, có trẻ nghị lực thì sống tới 1-2 tuổi.
“Lúc học ở Pháp, tôi bày tỏ tâm nguyện muốn mổ bệnh này ở Việt Nam nhưng nhiều bác sĩ ở Pháp không tin tưởng vào hệ thống y tế và kinh tế của Việt Nam, bởi sau mổ phải theo dõi tình trạng bệnh rất khó khăn. Nhiều nước ở châu Âu cũng không mổ. Sau đó, các bác sĩ ở Nhật, ở Úc mổ được nhiều ca thành công và động viên, tôi liền bắt tay vào ca mổ ở Việt Nam”, bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên chia sẻ.
Nhờ tìm lối đi trước những ca mổ khó, hàng trăm bệnh nhân sau khi được “độ tim” đã hồng hào trở lại. Nhìn bề ngoài, không ai nghĩ họ mắc bệnh tim phức tạp nhất thế giới. Họ vẫn đi học, chơi những môn thể thao nhẹ, lập gia đình và có người sinh con như bao trái tim lành lặn khác.
Thay đổi cách mổ Tứ chứng Fallot – Bước đột phá thế kỷ
Trước đây, để điều trị hẹp động mạch phổi cho những em bé bị Tứ chứng Fallot (với 4 khuyết tật ở tim cùng lúc), bác sĩ xẻ toàn bộ thất phải và đắp miếng vá lớn để mở rộng động mạch phổi ra. Tuy nhiên, điều này sẽ hủy hoại cấu trúc và chức năng của thất phải. Chưa kể, khi máu về tim quá nhiều, trẻ bị suy tim sau mổ, khiến tỷ lệ tử vong tăng cao.
Dựa trên kinh nghiệm học hỏi từ Úc, năm 1997 – 1998, bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên đưa phương pháp TAPA vào phòng mổ cứu trẻ bị Tứ chứng Fallot. Kỹ thuật này do chính ông sáng chế và đặt tên, với ưu điểm không xẻ thất phải mà điều trị khối hẹp ngay trong lòng động mạch phổi, cố gắng bảo tồn cấu trúc thất phải được nguyên vẹn.
Đây được xem là bước đột phá lớn ở thế kỷ trước trong điều trị Tứ chứng Fallot ở Việt Nam. Thời điểm đó, chỉ có Viện Tim mới mổ được cho trẻ sinh ra bị Tứ chứng Fallot, nhưng vẫn còn nhiều bé tử vong. Và khi kỹ thuật TAPA khai sinh thì số trẻ tử vong do mổ Tứ chứng Fallot về con số 0. Những em bé qua đời do những nguyên nhân khác như bị nhiễm trùng… Phương pháp TAPA còn giúp người bệnh rút ngắn thời gian nằm viện. Bệnh nhi sau mổ sẽ được rút nội khí quản ngay trong ngày, 1-2 ngày sau được ra khỏi phòng hồi sức, 1 tuần sau mổ được về nhà. Nhờ không phải nằm hồi sức kéo dài hàng tuần, hàng tháng như trước đây, trẻ em sau khi mổ cũng hạn chế nguy cơ biến chứng suy gan, suy tim, suy thận nặng nề.
Là một trong số ít chuyên gia được đào tạo bài bản chuyên sâu về phẫu thuật tim ở nước ngoài, bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên giúp các bác sĩ trong nước mổ được cho những em bé Tứ chứng Fallot dưới 10kg; trong khi trước đây, bệnh nhi muốn mổ phải trên 15kg. Nhiều em bé tử vong trước khi đủ cân.
Với những ưu điểm đó, phương pháp TAPA nhanh chóng lan truyền đến các bệnh viện có chuyên khoa tim trên khắp cả nước như: Bệnh viện Nhi đồng 1, 2, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Trung ương Huế… Gần 30 năm phẫu thuật tim, bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên đã mổ cho hơn 3.000 trẻ không may bị Tứ chứng Fallot khi chào đời.
Vực dậy nền y học Việt Nam, bác sĩ các nước theo học
Mỗi năm, bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên thực hiện khoảng 700 cuộc mổ, mỗi ngày từ 2 – 4 bệnh nhân, ca mổ dài nhất ông phải đứng suốt 18 tiếng đồng hồ. Vị chuyên gia chuyên phẫu thuật tim hàng đầu Việt Nam nổi tiếng nhờ “chuyên trị” các ca bệnh phức tạp như: tim đồng dạng, tim một thất, chuyển vị đại động mạch, ghép van tự thân, sửa chữa hoàn toàn kênh nhĩ thất, phẫu thuật chuyển đổi đôi trong bệnh bất tương hợp đôi…
Riêng phẫu thuật chuyển vị đại động mạch cho trẻ bị tim bẩm sinh là một trong những thế mạnh đưa danh tiếng của ông ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Lục lại ký ức, ông kể: năm 1993, khi đến Pháp học về mổ tim, ông đã ấp ủ một ngày nào đó sẽ mổ được bệnh lý chuyển vị đại động mạch tại Việt Nam. Mổ tim bẩm sinh là thách thức lớn vì đội ngũ mổ tim sơ sinh phải được đào tạo đồng bộ, chuyên sâu, máy móc trang thiết bị đầy đủ… đòi hỏi mất hàng năm, thậm chí hàng chục năm.
“Hệ thống y khoa Việt Nam thời điểm đó bất khả thi. Bản thân mình cũng không có đủ kinh nghiệm, kỹ năng chưa thể đạt tới. Mổ một người 40kg còn chưa thành thục thì không thể mổ được em bé 3kg với mạch máu nhỏ 1-2mm”, bác sĩ Trí Viên ngậm ngùi. Giấc mơ đó đã khép lại cho tới năm 2002, lúc bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên tu nghiệp từ Úc trở về.
Ông bắt đầu kết nối đưa các bác sĩ trẻ sang nước ngoài đào tạo theo hình thức “gối đầu” bác sĩ này học xong sẽ gửi tiếp bác sĩ khác đi đào tạo. “Ban đầu, ekip mổ cứu được một ca thì cũng có một ca không qua được. Ngoài việc thiếu kinh nghiệm, còn do nhiều lỗ hổng khi lần đầu thành lập ekip mổ tim bẩm sinh. Tôi sốc sau những ca thất bại, có khi mất ngủ hàng tháng trời. Tôi rơi vào trạng thái trầm uất, chán nản vì để thành công phải trả giá rất nhiều mạng người. Sau nhiều đêm suy tư tại sao các nước tiên tiến làm được, mình lại không thể? Tôi thức tỉnh, không cho phép mình dừng lại, tôi tìm ra những chỗ sai, rút kinh nghiệm và vực đồng đội đứng lên để đi tiếp. Sau khoảng 5 năm, kết quả những ca mổ bắt đầu tốt lên, tôi dần tự tin. Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 5% trường hợp tử vong sau mổ tim bẩm sinh, chủ yếu do nhiễm trùng, bệnh ở giai đoạn trễ, suy tim”, bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên nghẹn ngào.
Tiếng lành đồn xa, từ năm 2005, bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên bận rộn với các chuyến bay để chuyển giao kỹ thuật mổ tim bẩm sinh cho các bệnh viện khắp cả nước như: Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện tim Tâm Đức, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế… Không chỉ bác sĩ trong nước theo học, bác sĩ Trí Viên còn có nhiều bác sĩ từ các nước theo học mổ tim bẩm sinh như: Singapore, Ấn Độ, Senegal, Somali…
Với ông, phẫu thuật được bệnh tim bẩm sinh là cả một vận mệnh phải theo đuổi. Không như những bệnh tim khác, nếu mổ tim bẩm sinh trước 2 tuổi, trẻ có thể sống khỏe mạnh, vui vẻ như bao đứa trẻ bình thường khác. Ông vui sướng khi số trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh trong xã hội giảm đi, bản thân trẻ sẽ không có bất kỳ hồi ức nào về sự đau đớn. Và niềm vui cốt lõi chính là khi ấy, hệ thống y tế tim mạch của Việt Nam đã trưởng thành. Bởi muốn sớm xác định một em bé bị tim bẩm sinh phải có sự phối hợp của khoa Tim mạch, khoa Sản, khoa Nhi, khoa Hồi sức sơ sinh thật tốt. Lúc đó, bác sĩ tim mạch mới thực hiện được việc mổ tim diễn ra thuận tiện hơn. Và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã làm được điều này!
Comments are closed.